Các cơ quan công quyền sẽ được đặt dưới quyền giám sát, cho điểm, đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh: T.D
Doanh nghiệp “giám sát” cơ quan công quyền
Sau 2 năm (2018 & 2019) vì nhiều lý do khác nhau buộc phải dừng lại, Quảng Nam tiếp diễn việc chấm điểm, giám sát các cơ quan công quyền kể từ năm 2023. Sẽ có 22 sở, ban, ngành (trừ Sở Nội vụ) và 18 huyện, thị, thành phố được “trao quyền” cho doanh nghiệp giám sát, đánh giá và chấm điểm DDCI.
Theo Sở KH&ĐT, bộ chỉ số DDCI đưa ra chấm điểm gồm 9 chỉ số thành phần: tính minh bạch, tính năng động, vai trò người đứng đầu, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý và hỗ trợ đất đai (dành riêng cho nhóm các huyện, thị, thành phố).
Các thông tin khảo sát thu thập sẽ được mã hóa thống nhất trên phần mềm chuyên dụng, cho phép nhóm nghiên cứu có thể phân tích dữ liệu độc lập, kiểm chứng, đối chiếu kết quả để bảo đảm tính chính xác của kết quả tính toán.
Ảnh: T.D
DDCI Quảng Nam chỉ dùng kết quả khảo sát ý kiến doanh nghiệp để tính điểm, không sử dụng dữ liệu từ nguồn khác để tính điểm. Các nguồn mẫu khảo sát sẽ được dựa vào Cục Thuế, Liên minh Hợp tác xã, Sở KH&ĐT, sở, ban, ngành, địa phương và Trung tâm Phục vụ hành chính công Quảng Nam cung cấp.
Danh sách các đối tượng được khảo sát có thể thay đổi hàng năm phụ thuộc vào tình hình thực tế, mức độ tương tác của các đơn vị đối với doanh nghiệp trong năm và quyết định của UBND tỉnh.
Số lượng doanh nghiệp cần thiết khảo sát để bảo đảm kết quả đánh giá có ý nghĩa dự kiến đến 3.000. Số phiếu dự kiến thu về khoảng 1.000 cho nhóm các huyện, thị, thành phố.
Với nhóm sở, ban, ngành, đơn vị tư vấn sẽ tính toán, lựa chọn mẫu phù hợp thực tế từ danh sách các doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính hoặc tương tác trong hai năm gần nhất với các sở, ban, ngành.
DDCI sẽ được khảo sát bằng trực tuyến qua hệ thống khảo sát online do đơn vị tư vấn xây dựng. Doanh nghiệp có thể đánh giá trực tuyến thông qua các ứng dụng Smart Quảng Nam, 1022, Zalo và Cổng thông tin điện tử của tỉnh hoặc gửi, nhận phiếu khảo sát qua đường bưu chính.
Kết quả công bố sẽ là cơ sở để tham vấn những giải pháp cần tiếp tục triển khai để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương những năm sau này.
Tiến trình đánh giá DDCI Quảng Nam giai đoạn 2022 – 2025 theo các mốc thời gian. Cụ thể, năm 2022 ban hành đề án, tổ chức đấu thầu, lựa chọn đơn vị tư vấn độc lập. Năm 2023 triển khai đánh giá và sẽ công bố kết quả vào đầu quý IV/2023. Chương trình này sẽ được thực hiện hằng năm.
Ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc Phòng Thương mại & công nghiệp – chi nhánh Đà Nẵng cho hay chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã xếp hạng các tỉnh, thành về môi trường đầu tư, kinh doanh. Nhưng nếu không có DDCI, sẽ không biết được những ưu, khuyết ở cơ quan nào nên khó khắc phục các điểm yếu.
Công cụ này sẽ cụ thể hóa, địa chỉ hóa những vấn đề, lĩnh vực tích cực, hạn chế. Đây là một nguồn thông tin hữu ích cho việc đánh giá lại một số chính sách liên quan đến doanh nghiệp, giúp lãnh đạo tỉnh nắm bắt kịp thời các vướng mắc, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương để đưa ra những quyết sách hợp lý. Ngoài ra, sẽ tạo cơ sở cho chính quyền cấp tỉnh đưa ra những chỉ đạo, giám sát việc thực thi chủ trương, chính sách của các sở, ngành, địa phương.
Liệu có đủ độ xác thực, tin cậy?
Ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói không một cơ quan, địa phương nào đứng ngoài cuộc cải cách. Kết quả sẽ đo lường được tác động của chính sách, cơ chế, chủ trương trên thực tế, cam kết thời gian thực thi cụ thể bằng những phần mềm quản lý (từ giải quyết dứt điểm kiến nghị doanh nghiệp, phản ảnh hiện trường, tháo gỡ vướng mắc, hệ thống hóa quy trình, thủ tục, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, quản lý đầu tư, bản đồ số, dữ liệu đất đai...).
Kế hoạch cải cách thông qua DDCI sẽ được tích hợp, thông qua bản đồ thể chế (bandotheche.quangnam.gov.vn), giám sát và chấm điểm hàng ngày, đo lường buộc các cơ quan, địa phương phải tìm hướng cải cách hiệu quả.
Ảnh: T.D
Khác với những cuộc đánh giá DDCI đã thực hiện, cuộc khảo sát lần này theo hệ thống chỉ tiêu dễ áp dụng, dễ hành động để các đơn vị, địa phương có thể dễ dàng tìm kiếm, lựa chọn các giải pháp cải thiện, phù hợp với các sở, ban, ngành và địa phương. Việc chọn mẫu đánh giá cụ thể, khách quan... từ các doanh nghiệp đã trải nghiệm dịch vụ công từ các sở, ban, ngành, địa phương sẽ mang đến sự xác thực.
Câu chuyện thu hẹp khoảng cách từ ban hành đến thực thi chính sách được đặt lên bàn nghị sự. Chính quyền cấp tỉnh kỳ vọng DDCI như một con đường ngắn nhất có thể thu hẹp khoảng cách từ ban hành đến thực thi chính sách, góp phần cải thiện thực chất chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền địa phương và sở, ban, ngành.
Tuy nhiên, không ít sở, ban, ngành, địa phương cho rằng với số lượng 3.000/9.000 doanh nghiệp sẽ được khảo sát (thu về 1.000/9000 doanh nghiệp) thì liệu cuộc điều tra này có đủ tính thuyết phục về độ xác thực hay không? DDCI chỉ là một trong những tiêu chí để tham khảo, chưa thể quyết định sự thành công hay thất bại của năng lực điều hành kinh tế của các cơ quan công quyền.
DDCI 2018 & 2019 cho thấy sự đổi ngôi trong xếp hạng các cơ quan công quyền. Tuy nhiên, không chỉ cơ quan hay địa phương bị liệt cuối bảng mà ngay cả cơ quan, địa phương xếp thứ hạng cao cũng khá bất ngờ vào kết quả khảo sát. Họ đã băn khoăn, thậm chí nghi ngờ về độ xác thực, độ tin cậy của các kết quả khảo sát.
Ông Thái Hoàng Vũ – Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết đã bất ngờ, không biết đánh giá như thế nào về DDCI khi địa phương rất hạn chế về đầu tư, ít doanh nghiệp, thiếu hạ tầng và cả quy hoạch... nhưng lại được cho điểm vị thứ 3 trên bảng xếp hạng.
Ông Nguyễn Hữu Sáng – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng ngạc nhiên, năm 2019 Điện Bàn được xếp chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) dẫn đầu, nhưng đánh giá DDCI lại xếp thứ 15.
Hội An được xếp PAR INDEX ở vị thứ 6 lại rơi vào chót bảng DDCI còn Bắc Trà My xếp 12 PAR INDEX lại có hạng 3 DDCI… Nhiều địa phương được đánh giá cải cách hành chính tốt, nhưng DDCI lại “bét bảng”, liệu có cần phải xem xét về độ tin cậy của nó hay không?
Kết quả DDCI được xem là một trong những căn cứ để đánh giá công tác điều hành, xếp loại thi đua cuối năm của các cơ quan công quyền và người đứng đầu. Dĩ nhiên, sẽ không một cơ quan công quyền nào không tham dự vào cuộc chạy đua điểm số và thứ hạng. Tuy nhiên, không nên quá kỳ vọng vào vài cuộc đánh giá đã có ngay sự khác biệt. Hiệu ứng của DDCI có tạo động lực thúc đẩy cải cách bằng những sáng kiến, giải pháp cụ thể và hiệu quả mới là chuyện quan trọng.
Nguồn tin: Trịnh Dũng ( Báo Quảng Nam)