Đề án là một bước “cụ thể trách nhiệm” từ PCI (đối với tỉnh) sang DDCI (đối với các sở, ban, ngành và địa phương); nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc cải thiện PCI gắn với đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp, cải thiện vị trí thứ hạng PCI của tỉnh.
Theo kết quả PCI năm 2021, Quảng Nam tuy điểm số đánh giá tăng 0,52 điểm (năm 2020 đạt 65,72 điểm) nhưng lại tụt 6 bậc, đứng ở vị trí thứ 19/63 tỉnh, thành trong cả nước, cho thấy các địa phương khác đã nỗ lực cải thiện mình đến mức nào.
Chất lượng cải cách thủ tục hành chính và điều hành kinh tế của các tỉnh, thành ngày càng cao; Quảng Nam cũng tiến nhưng chậm, không theo kịp thì sẽ phải chấp nhận cảnh ngày càng bị bỏ xa trên bảng xếp hạng.
Thời gian qua lãnh đạo tỉnh đã chủ động đề ra nhiều giải pháp thiết thực để tạo lập môi trường đầu tư thực sự cởi mở và sẵn sàng gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe ý kiến góp ý của cộng đồng doanh nghiệp.
Tỉnh ủy Quảng Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo về đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm của tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. UBND tỉnh thành lập Tổ công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện các chỉ đạo của Thường trực UBND tỉnh.
Công tác tiếp doanh nghiệp định kỳ hằng tháng của Thường trực UBND tỉnh được duy trì. Tháng 8.2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Số 5245 về tập trung cải thiện PCI tỉnh Quảng Nam năm 2021, trong đó nêu rõ mục tiêu “Phấn đấu cải thiện từng chỉ tiêu và điểm số của 10 chỉ số thành phần, quyết tâm đưa PCI của tỉnh Quảng Nam năm 2021 nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố chất lượng điều hành kinh tế tốt trên cả nước”...
Những động thái trên cho thấy quyết tâm rất lớn của lãnh đạo tỉnh, nhưng kết quả không như mong đợi. Vì sao?
Năm 2021, trong 10 chỉ số thành phần của PCI, Quảng Nam có 2 chỉ số vừa giảm điểm vừa giảm bậc là “Tính minh bạch” và “Tính năng động”. Theo kết quả đánh giá, ngoài việc chưa thực sự tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong kinh doanh; thủ tục rườm rà, khó khăn, gây trở ngại cho doanh nghiệp về tiếp cận đất đai; công tác thanh tra, kiểm tra còn chồng chéo…, thì điều đáng quan tâm là việc thực thi và thừa hành các chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh ở các sở, ban, ngành và địa phương chưa hiệu quả.
Trong đánh giá chỉ số thành phần “Tính năng động”, có các nội dung “Có sáng kiến hay ở cấp tỉnh, nhưng chưa được thực thi tốt ở các sở, ngành” và “Lãnh đạo tỉnh có chủ trương đúng, nhưng chưa được thực hiện tốt ở cấp huyện”. Thực tế là thời gian qua UBND tỉnh không ít lần ban hành công văn nhắc nhở, đôn đốc các sở, ngành, địa phương chậm hoặc chưa thực hiện nội dung, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh ở một số nhiệm vụ.
Sự phân cấp trong lãnh đạo, điều hành đang ngày càng phát huy và thực hiện mãnh mẽ, khảo sát đánh giá PCI hay DDCI cũng là cách để doanh nghiệp góp tiếng nói đến chính quyền địa phương các cấp, thông qua đó đặt ra yêu cầu chính đáng và tạo động lực cải cách môi trường kinh doanh trên địa bàn.
Đề án của tỉnh đã ban hành, khung đánh giá DDCI gồm 9 chỉ số thành phần, trong đó chỉ số đầu tiên là “Tính minh bạch”, kế tiếp là “Tính năng động” mới đến “Vai trò người đứng đầu”... Từng nội dung đã được cụ thể hóa chi tiết, vấn đề ở phía trước là việc thực thi và thừa hành của các sở, ban, ngành, địa phương.
Nguồn tin: Trường Đồng ( Báo Quảng Nam)