Lãnh đạo tỉnh kiểm tra tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư ở xã Bình Dương, Thăng Bình. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Độ lùi của điểm số
Minh bạch thông tin, tính năng động, đào tạo lao động, chi phí thời gian và gia nhập thị trường từng là 5 điểm số thành phần luôn được cộng đồng doanh nghiệp (DN) ở Quảng Nam đánh giá cao... đã đánh rơi điểm trong cuộc khảo sát PCI 2021.
Minh bạch thông tin không được đánh giá cao khi chỉ đạt 5,32 điểm (giảm 0,86 điểm). Số DN cho rằng, cần phải có mối quan hệ mới có thể có được các tài liệu của tỉnh từ 53% năm 2020 đã tăng lên 66% (tăng 13%).
Việc thương lượng với cán bộ thuế là một phần thiết yếu trong hoạt động kinh doanh đã không thể giảm (từ 53% tăng lên 56% - tăng 3%).
Một trong những biến số mới được ghi nhận là có đến 47% DN nói thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế đã “giúp” họ giảm được số thuế phải nộp (đồng nghĩa với ngân sách nhà nước thất thu).
Chính quyền dù ban hành rất nhiều văn bản, quy định, kế hoạch vẫn không được đánh giá cao về tính năng động, tiên phong trong cải cách. Kết quả khảo sát chỉ ra việc bị giảm 0,81 điểm (6,55 điểm) khi có đến 55% và 69% DN cho biết các sở, ngành, chính quyền cấp huyện không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh.
Tỷ lệ DN chờ hơn từ 1 - 3 tháng để hoàn thành tất cả thủ tục và đi vào hoạt động đã trở thành câu chuyện cũ khi ghi nhận số DN than phiền cao nhất 6%. Số DN phải trì hoãn hay hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do những khó khăn khi thực hiện thủ tục đăng ký DN chỉ chiếm 10%.
Tuy nhiên, gia nhập thị trường thực tế vẫn khó. Có đến 60% số DN tham gia khảo sát lên tiếng họ đã gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện.
Số lượng DN cho điểm cán bộ tại bộ phận một cửa am hiểu chuyên môn hay nhiệt tình, thân thiện chiếm không đến 40%. Những góc khuất này đã khiến chỉ số gia nhập thị trường chỉ đạt 7,05 điểm (giảm 0,81 điểm)
Không thiếu trường đào tạo nghề, nhưng DN cho biết, họ đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng cán bộ quản lý, giám sát tại địa phương lẫn chất lượng lao động không thỏa mãn nhu cầu sản xuất, kinh doanh... Chỉ số đào tạo lao động chỉ đạt 6,24 điểm (giảm 0,31 điểm).
Theo phân tích, có đến 60% DN đang gặp khó khăn khi tuyển dụng cán bộ quản lý, giám sát, 45% DN cho rằng không dễ dàng tuyển dụng được cán bộ kỹ thuật và dù có thể dễ dàng tuyển dụng lao động phổ thông tại địa phương, nhưng số DN đánh giá lao động tại địa phương có thể đáp ứng hoàn toàn hay phần lớn nhu cầu sử dụng đã giảm đến 30% so năm 2020.
Không ít DN vẫn than phiền khi bị thanh tra hơn 3 lần/năm. Nếu năm 2020 khảo sát 0% thì năm 2021 đã lên 7%. Việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến được cho đã dễ dàng, thông thoáng hơn, nhưng chi phí thời gian vẫn là trở ngại lớn đối với doanh nghiệp.
Khảo sát chỉ ra có đến 44% doanh nghiệp cho rằng đã gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến. Kênh mới này vẫn chưa thể giúp DN tiết giảm thời gian, chi phí.
Tự soi mình
Mục tiêu đạt điểm số theo kế hoạch năm 2021 với các chỉ số về tính minh bạch, năng động, gia nhập thị trường, đào tạo lao động và chi phí thời gian (tương ứng 6,7 điểm, 7,5 điểm, 8 điểm, 6,7 điểm và 8 điểm) không thể thực hiện được. Ngược lại càng bị giảm điểm là dấu hiệu không bình thường.
Sự năng động của lãnh đạo tỉnh trong việc lắng nghe để xử lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các cuộc tiếp xúc (ảnh) vẫn chưa được ghi nhận, khi các văn bản chỉ đạo chưa được sở, ngành, địa phương thừa hành, thực thi trên thực tế. Ảnh: T.D
Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho hay, nhiều năm qua, sở đã tích cực, chủ động tham mưu UBND các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ghi nhận, đánh giá cao các giải pháp cải thiện PCI địa phương khá tốt, nhưng việc thừa hành, thực thi các giải pháp này ở các sở, ngành, địa phương cơ sở chưa tốt, dẫn đến kết quả PCI trong vòng 2 năm gần đây liên tục giảm thứ hạng.
Những cuộc khảo sát, thống kê mới đây, trên thực tế, chỉ có lãnh đạo tỉnh quan tâm đến PCI và chỉ mỗi Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ động tham mưu các chủ trương, giải pháp về cải thiện PCI. Các sở, ngành khác và địa phương hầu như rất ít quan tâm, chưa chú trọng đến chỉ số này.
Sự thiếu thiện chí này đã trở thành khoảng trống khi chưa thể đề ra giải pháp cụ thể cho việc tăng điểm, thăng hạng cho từng chỉ số thành phần PCI gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý và chính quyền địa phương.
Theo tổng hợp của Sở Kế hoạch - Đầu tư, đến nay chỉ có 24/39 đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch và báo cáo kết quả thực hiện cải thiện PCI, có 2/39 đơn vị xây dựng kế hoạch nhưng không báo cáo kết quả triển khai thực hiện, 7/39 đơn vị, địa phương không xây dựng kế hoạch nhưng báo cáo kết quả triển khai thực hiện và 6/39 đơn vị, địa phương không xây dựng kế hoạch và không báo cáo kết quả triển khai thực hiện!
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho hay, điểm số hay thứ hạng PCI là một trong những điểm để tham khảo, chưa thể quyết định sự thành công hay thất bại của năng lực điều hành kinh tế địa phương.
Trong cuộc cạnh tranh điểm số này, dường như tất cả địa phương đều mong muốn cải thiện. Quảng Nam đã giảm thủ tục đầu tư, cải cách thủ tục hành chính ngày càng thông thoáng hơn, nhưng chưa thể mạnh mẽ, cần nhận diện đúng và đo lường trên thực tế để cải thiện.
Vì sao bị sụt giảm? Cần tìm ra mấu chốt ở đâu để hoàn thiện hơn. Không thiếu những chính sách, cơ chế, nhưng công tác tổ chức thực hiện chắc chắn có “vấn đề”. Thử hỏi có bao nhiêu công chức, viên chức biết được 10 chỉ số thành phần PCI một cách cụ thể.
Theo ông Bửu, ý muốn của lãnh đạo tỉnh là mọi công chức phải biết cụ thể về sự cải thiện này thông qua các chương trình tập huấn, đào tạo. Sẽ có kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc thực thi các kế hoạch cải thiện chỉ số PCI trong toàn bộ công chức, viên chức, hệ thống chính trị, chấm điểm hàng ngày, kể cả tính đến chuyện thuyên chuyển, kỷ luật cán bộ thừa hành không thực thi các chủ trương, chính sách, cơ chế, kế hoạch cải thiện PCI đã ban hành.
Nguồn tin: Trịnh Dũng ( Báo Quảng Nam)