Công chức, viên chức, địa phương liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư...sẽ phải tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về PCI, DDCI. Ảnh: T.D
Bồi dưỡng, đào tạo...
Giảng viên trường chính trị, lãnh đạo, cán bộ trực tiếp tham mưu công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thường xuyên giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp hoặc làm công tác thanh tra, kiểm tra tại các sở, ban, ngành và địa phương... sẽ phải tham gia các lớp bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về cải thiện chỉ số PCI, DDCI.
Các giảng viên Trường Chính trị Quảng Nam sẽ được bồi dưỡng 3 chuyên đề. Chuyên đề 1 hướng đến một số quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, quản lý nhà nước từ “cho phép”, “cấp phép” sang tư duy “phục vụ”.
Phương pháp hình thành hành vi tích cực, cải thiện môi trường kinh doanh, hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và các kỹ năng cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy phát triển.
Chuyên đề 2 về mục tiêu thực hiện, nguyên tắc xây dựng, quy trình triển khai và các tác động của PCI, DDCI đến môi trường đầu tư kinh doanh tại địa phương. Phân tích các điểm mạnh, hạn chế của môi trường đầu tư kinh doanh tại địa phương từ kết quả PCI, DDCI các năm và khuyến nghị các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tạo động lực quan trọng cho sự phát triển của tỉnh.
Chuyên đề 3 về chỉ số đo lường chất lượng quản trị địa phương, ứng dụng chỉ số DDCI tỉnh Quảng Nam. Các kinh nghiệm, thực tiễn tốt trong ứng dụng PCI, DDCI để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tạo động lực quan trọng cho sự phát triển của tỉnh, các giải pháp thúc đẩy cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, DDCI.
Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH-ĐT báo cáo đánh giá về việc thừa hành cải thiện môi trường đầu tư của các sở, ban, ngành và địa phương tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh. Ảnh: T.D
Cán bộ, công chức, viên chức thuộc các sở, ban, ngành và địa phương sẽ được tiếp nhận 2 chuyên đề. Chuyên đề về nâng cao nhận thức và vai trò của cán bộ công chức trong hình thành hành vi tích cực, cải thiện môi trường kinh doanh, hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và các kỹ năng cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy phát triển.
Và chuyên đề mục tiêu thực hiện, nguyên tắc xây dựng, quy trình triển khai và các tác động của PCI, DDCI, các giải pháp thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, tạo động lực quan trọng phát triển địa phương.
Theo kế hoạch, việc đào tạo, bồi dưỡng này sẽ được thực hiện hằng năm. Nội dung các chuyên đề sẽ được điều chỉnh theo yêu cầu từ UBND tỉnh và tình hình thực tế của địa phương trong những năm tiếp theo.
Kinh phí từ ngân sách tỉnh bỏ ra bồi dưỡng đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Quảng Nam vào quý III/2022, cán bộ, công viên chức thuộc các sở, ban, ngành và địa phương vào quý IV/2022.
Tuy nhiên, theo ông Trương Hồng Giang - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, việc đào tạo, bồi dưỡng chỉ có thể tiến hành từ đầu năm 2023 khi hoàn chỉnh tài liệu, giáo trình, giáo án và sẽ tích hợp bồi dưỡng cùng cải cách hành chính
Hy vọng từ sáng kiến
Năm năm liền, từ 2015 - 2019, nằm trong nhóm tốt, tốp 10 địa phương có điểm số, thứ hạng PCI cao nhất Việt Nam, Quảng Nam đã “bất ngờ” rớt hạng liên tiếp 2 năm 2020 & 2021. Nguyên nhân được tính đến là việc thừa hành, thực thi PCI không tốt.
Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH-ĐT cho hay, những cuộc khảo sát, thống kê mới đây cho thấy chỉ có lãnh đạo tỉnh quan tâm đến PCI và chỉ mỗi Sở KH-ĐT chủ động tham mưu các chủ trương, giải pháp về cải thiện PCI.
Các sở, ngành còn lại và địa phương hầu như rất ít quan tâm, chưa chú trọng đến chỉ số này. Việc này đã trở thành khoảng trống khi chưa thể đề ra giải pháp cụ thể để tăng điểm, thăng hạng cho từng chỉ số thành phần PCI gắn với chức năng, nhiệm của của cơ quan quản lý và chính quyền địa phương.
Theo tổng hợp của Sở KH-ĐT, đến nay chỉ có 24/39 đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch và báo cáo kết quả thực hiện cải thiện PCI, có 2/39 đơn vị xây dựng kế hoạch nhưng không báo cáo kết quả triển khai thực hiện, 7/39 đơn vị, địa phương không xây dựng kế hoạch nhưng báo cáo kết quả triển khai thực hiện và 6/39 đơn vị, địa phương không xây dựng kế hoạch và không báo cáo kết quả triển khai thực hiện.
Ông Nguyễn Hữu Sáng - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nói, cần tiếp tục làm một “cuộc cách mạng nhận thức” về PCI, DDCI. Quảng Nam đã thực hiện nhiều cải cách hiệu quả, nhưng truyền thông chưa thực sự lan tỏa.
Phải xem PCI, DDCI như một tầm nhìn, sứ mệnh của cả hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực thi công vụ thì mới chuyển biến được. Quan trọng nhất là lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo đánh giá cán bộ thừa hành.
Quảng Nam phải dành nguồn lực cho chiến lược truyền thông mới về PCI, DDCI. Xem truyền thông hiệu quả như một giải pháp đột phá trong các đột phá để cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh. Nếu không, mọi nỗ lực cải cách sẽ mất hết ý nghĩa trong việc tạo tầm nhìn, sứ mệnh xây dựng hình ảnh, thương hiệu địa phương!
Khoảng trống về cải cách đã được nhận diện. Khi quyết định đưa chương trình đào tạo, tập huấn về PCI, DDCI cho cán bộ, công chức, Quảng Nam hướng đến cung cấp môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, góp phần giữ vững thứ hạng, nâng cao chỉ số PCI. Quảng Nam quyết tâm “trở lại đường đua” bằng kế hoạch lọt vào tốp 6 năm 2025.
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói, không thiếu những chính sách, cơ chế tốt, nhưng đội ngũ thừa hành không hiện thực hóa được. Thử hỏi có bao nhiêu công chức, viên chức biết được 10 chỉ số thành phần PCI một cách cụ thể. Họ không biết thì làm sao họ có thể tham dự vào cuộc cải cách này. Theo ông Bửu, ý muốn của lãnh đạo tỉnh là mọi viên chức, công chức phải biết cụ thể về sự cải thiện này thông qua các chương trình tập huấn, đào tạo.
Ngân sách tỉnh sẽ bố trí, dành nguồn lực ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn và các kỹ năng khác cho cán bộ, công chức, viên chức. Nghiên cứu xây dựng các chuyên đề riêng biệt để đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, về cải thiện Chỉ số PCI trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tạo điều kiện cho DN tăng khả năng tiếp cận, nắm bắt thông tin và tham gia đóng góp ý kiến về các chính sách, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ông Hồ Quang Bửu nhấn mạnh, kế hoạch cải thiện lần này thể hiện quyết tâm trong việc tạo ra sự khác biệt, chất lượng. Không chỉ chính quyền cấp tỉnh mà địa phương cấp dưới, cơ quan quản lý cũng phải đề ra kế hoạch cải thiện năng lực cạnh tranh điều hành kinh tế thông qua sự phân cấp, phân quyền, ủy quyền, có hệ thống giám sát cụ thể, rõ ràng, thực chất.
Nguồn tin: Trịnh Dũng (Báo Quảng Nam)