Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết

Thủ tướng chỉ thị thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV)

Người đăng: hotrodoanhnghiep Ngày đăng: 15:14 | 28/03 Lượt xem: 13

Ngày 25/3/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).


Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Kinh tế tư nhân, trong đó trọng tâm là doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế) luôn có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp hơn 50% GDP, 30% tổng thu ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm (chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế).

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp nhiều khó khăn, thách thức để phát triển nhanh, bền vững cả về số lượng, quy mô, chất lượng, hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, phần lớn chưa tham gia được vào hoạt động xuất khẩu và chuỗi giá trị, chưa có công nghệ gốc và tiềm lực để số hóa hoạt động kinh doanh; quản trị doanh nghiệp chưa tiệm cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Nhằm tháo gỡ các rào cản, khó khăn, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp nhỏ và vừa bứt phá, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan (gọi tắt là các bộ, ngành, địa phương) tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra, trong đó chú trọng một số nội dung trọng tâm sau đây:

- Các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt mục tiêu phát triển DNNVV theo hướng nhanh, bền vững, phấn đấu đến năm 2030 có thêm ít nhất 1 triệu doanh nghiệp mới. DNNVV cần được hỗ trợ để tăng trưởng về số lượng, chất lượng, quy mô, hiệu quả hoạt động, đóng góp thiết thực vào nền kinh tế.

- Các bộ, ngành, địa phương có liên quan nêu cao tinh thần trách nhiệm, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, coi khó khăn của người dân, doanh nghiệp là khó khăn của mình để chủ động hỗ trợ, đồng hành, tháo gỡ trên tinh thần “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự”’, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; giao nhiệm vụ cụ thể trên tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả”.

- Tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ... nhằm tháo gỡ các rào cản, khó khăn, tạo điều kiện huy động tối đa nguồn lực của DNNVV đóng góp vào tăng trưởng, phát triển kinh tế. Cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, trong năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm tối thiểu 30% chi phí tuân thủ; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục đầu tư, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và dự án. Phát triển mạnh Chính phủ điện tử, Chính phủ số để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin và dịch vụ công.

- Khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thúc đẩy phát triển DNNVV. Bộ Tài chính tập trung sửa đổi các luật thuế, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Doanh nghiệp; đồng thời xây dựng khung pháp lý quản lý, phát triển tài sản số, tài sản mã hóa và tiền kỹ thuật số một cách lành mạnh, hiệu quả. Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm, hướng tới phát triển các ngành công nghiệp chủ lực trong bối cảnh đổi mới sáng tạo và chuyển đổi công nghệ mạnh mẽ.

- Về công tác quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai hiệu quả các quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt; đẩy mạnh phát triển các hành lang kinh tế, vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ gắn với các trung tâm động lực mới như sân bay Long Thành, trung tâm tài chính quốc tế. Đồng thời, cần chủ động đề xuất các giải pháp phát triển các ngành công nghiệp mới như công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip… để dẫn dắt, hỗ trợ DNNVV tham gia sâu vào chuỗi giá trị.

Đồng thời phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt trên 95% kế hoạch được giao, đặc biệt ưu tiên các dự án quan trọng, cấp bách, các dự án hạ tầng chiến lược và các dự án kết nối vùng, kết nối quốc gia. Nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư các dự án cho giai đoạn 2026 - 2030, nhất là các dự án hạ tầng chiến lược, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt kết nối quốc tế, đường sắt đô thị, các cảng biển trung chuyển quốc tế...; đặc biệt thúc đẩy đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp lớn để tạo động lực dẫn dắt, lan tỏa, kích hoạt đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

-  Về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tài chính, tín dụng, Thủ tướng giao Bộ Tài chính có giải pháp hiệu quả đẩy mạnh hoạt động cho vay của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tạo kênh huy động vốn với chi phí hợp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực hiện triệt để việc đơn giản hoá quy trình, thủ tục, hồ sơ hỗ trợ ưu đãi thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp; nghiên cứu áp dụng phương thức hậu kiểm để doanh nghiệp nhỏ và vừa không bị ảnh hưởng về dòng tiền và hoạt động kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; ưu tiên giữ ổn định lãi suất; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhưng phải phù hợp, hiệu quả, tạo niềm tin cho doanh nghiệp; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) và các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo...); kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
        Chi tiết Chỉ thị xem tại đây./.

Tác giả: Ngọc Thương

Các tin cũ hơn:

Đăng nhập / Đăng ký

 

Số lượng doanh nghiệp thành lập

Chọn năm:
select

Tổng thu ngân sách

Chọn năm:
select

Bản quyền thuộc Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: Số 02 Trần Phú - Thành phố Tam Kỳ - Tỉnh Quảng Nam
Điện thoại: 02353822.889
Email: hotrokhoinghiepqnam@gmail.com
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập

0000336426