Hãng tàu nước ngoài cập bến cảng 5 vạn tấn Cảng quốc tế Chu Lai ngày 21/3/2025. Ảnh: TRỊNH DŨNG
Năng lực hàng hải
Kể từ chuyến tàu STIC từ cảng Incheon (Hàn Quốc) cập cảng số 1 Tam Hiệp ngày 5/8/2016, không cần thông qua các cảng trung chuyển tại Đà Nẵng hay TP.Hồ Chí Minh, cảng biển nội địa Chu Lai đã trở thành “cảng quốc tế”.
Từ một cảng khởi sự năm 2002 chỉ vận chuyển xi măng, dăm gỗ, quặng than… quanh vùng, đến tuyến vận tải biển TP.Hồ Chí Minh đi Kỳ Hà (và ngược lại) được khai thông từ chuyến tàu vận chuyển container, hàng tổng hợp tàu Trường Hải Star của Công ty TNHH vận tải biển Chu Lai – Trường Hải (Tập đoàn ô tô Trường Hải) ngày 28/5/2006 đến cảng biển quốc tế, xuất nhập khẩu trực tiếp là chuỗi ngày dài đầu tư.
Cảng Kỳ Hà đã được khai thông, nhưng không thể lấp khoảng trống hạn chế về logistics tại Chu Lai. Hàng hóa của doanh nghiệp, nhất là Trường Hải luôn đối diện với khó khăn trong vận chuyển.
Linh kiện xe CKD (xe lắp ráp trong nước 100% linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài) từ Hàn Quốc phải về TP.Hồ Chí Minh, sau đó chuyển về Chu Lai. Những chuyến trung chuyển này đã dẫn đến chi phí tăng gấp 2 lần, tốn thời gian khá nhiều.
Bến cảng 5 vạn tấn có đầy đủ trang thiết bị hiện đại, giúp giải phóng hàng hóa nhanh, giảm thiểu chi phí logistics cho doanh nghiệp. Ảnh: TRỊNH DŨNG
Khi đưa nhà máy sản xuất xe bus, xe du lịch Kia hoạt động, một quyết định quan trọng đã được Trường Hải thực hiện là đầu tư xây dựng cảng Chu Lai – Trường Hải (bến Tam Hiệp – cảng Kỳ Hà).
Trường Hải đã đổ ra hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng một trong những cảng năng động bậc nhất miền Trung. Ít nhất có đến 4 hãng tàu quốc tế (CMA, CGM, APL, ZIM…) cập cảng làm hàng mỗi tuần.
Ngoài hàng “xương sống” ô tô thành phẩm, linh kiện, máy móc, thiết bị và hàng nông nghiệp của chính THACO, các mặt hàng khác như vật tư nông nghiệp phục vụ cho các nông trường Campuchia, Lào, Tây Nguyên… nhập từ cảng Chu Lai sẽ được vận chuyển ngược lên các nông trường và nhận trái cây từ các nông trường về.
Nhật ký làm hàng của cảng Tam Hiệp, sản lượng hàng hóa thông qua cảng tăng trưởng từng năm. Thống kê của Hải quan Kỳ Hà, năm 2024 đã giải quyết thủ tục hải quan cho hơn 250 doanh nghiệp thông quan hàng hóa (tăng 19,01%). Kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu tăng 25,6% (2.519,17 triệu USD).
Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu hàng giày da, hàng gia công may mặc, sản phẩm gỗ, chip điện tử… Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là bộ linh kiện, linh kiện ô tô, nguyên phụ liệu hàng may mặc, giày da, linh kiện chíp thô… Ngoài ra, đã thực hiện quá cảnh cho 3.197 tờ khai (tăng 32%), giải quyết cho 30.784 lượt phương tiện (tăng 290%).
Ông Nguyễn Ngọc Sỹ – Đội phó Hải quan cảng Kỳ Hà cho biết, hàng quá cảnh, vận chuyển độc lập chủ yếu là chuối tươi, linh kiện ô tô, quặng nhôm, quặng sắt từ Lào qua cửa khẩu Nam Giang và cửa khẩu Bờ Y.
Quốc lộ 14D xuống cấp nghiêm trọng, nên hàng (quặng) quá cảnh từ Lào về Chu Lai xuất đi Trung Quốc hạn chế, khoảng 110 xe/ngày, hơn 3.500 tấn/ngày.
Nếu các tuyến quốc lộ 14D, 14E nâng cấp, giao thông thuận lợi thì lượng xe sẽ tăng cao; lượng hàng xuất khẩu qua cảng Chu Lai ước tính tăng gấp 2 lần.
Khát vọng cảng biển
Công trình cầu cảng số 2 (bến 5 vạn tấn), cảng quốc tế Chu Lai hoàn thiện là phần mở rộng 365m về phía hạ lưu, nối tiếp bến cảng số 1, nâng tổng chiều dài toàn bến cảng Chu Lai lên 836m, độ sâu trước bến đạt âm 11,6m, đảm bảo tiếp nhận các loại tàu hàng tổng hợp, tàu container tải trọng đến 5 vạn tấn.

Tuyến luồng Kỳ Hà đang được nạo vét âm 9,3m, dự kiến sẽ đưa vào khai thác vào quý II/2025. Ảnh: TRỊNH DŨNG
Hạ tầng đồng bộ, trang thiết bị xếp dỡ hiện đại, gia tăng năng lực xếp dỡ của bến cảng lên gần 100 container/giờ, gấp 3 lần so với bến cảng số 1. Ngày 21/3/2025, tàu 3 vạn tấn hãng CMA CGM đã cập cảng ngay sau ít phút Quảng Nam gắn biển công nhận bến cảng 5 vạn tấn.
Ông Phan Văn Kỳ – Giám đốc Cảng quốc tế Chu Lai cho biết: Bến cảng 5 vạn tấn không chỉ là bước tiến trong phát triển cơ sở hạ tầng mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường năng lực, giúp giảm thiểu chi phí dịch vụ chuỗi logistics.
Sẽ tiếp tục nạo vét giai đoạn 2 đến độ sâu âm 14,7m, đảm bảo tiếp nhận các loại tàu hàng tổng hợp và tàu container có tải trọng lên đến 5 vạn tấn. Tổng sản lượng hàng hóa năm 2025 qua cảng ước đạt 5,5 triệu tấn.
Cảng biển Quảng Nam đã được quy hoạch cảng biển loại I. Cảng quốc tế, trung tâm mô hình vận tải đa phương thức này có vị trí chiến lược, kết nối thông suốt, đầu mối giao thương với các tuyến huyết mạch địa phương và miền Trung, cửa ngõ kết nối ra Biển Đông của Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan là điều không bàn cãi.
Tuy nhiên, tuyến luồng hiện tại chủ yếu phục vụ cho tàu có trọng tải nhỏ, dưới 2 vạn tấn đi lại. Trường Hải đã từng mất đi cơ hội truyền thông về sự kiện xuất sơ mi rơ moóc sang Mỹ khi buộc phải mượn cảng Dung Quất (Quảng Ngãi) xuất hàng.
Bến cảng 5 vạn tấn đã được đầu tư, nhưng làm gì để khai thác tối đa công suất bến cảng, giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp khi không có luồng lạch đủ lớn, sâu, rộng?
Ông Bùi Minh Trực – Tổng Giám đốc THILOGI (tập đoàn thành viên của Trường Hải) cho biết: “Luồng Kỳ Hà nạo vét đến độ sâu âm 9,3m sẽ được đưa vào khai thác trong quý II/2025, tiếp nhận tàu 3 vạn tấn. Doanh nghiệp đang tích cực triển khai thủ tục pháp lý để trình nộp hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp nhận nhà đầu tư sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch liên quan. Sẽ đầu tư tuyến luồng Cửa Lở để tiếp nhận tàu hơn 5 vạn tấn vào năm 2028”.
Trong chuyến làm việc tại Quảng Nam vào ngày 8/2/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo phải giải quyết ngay các thủ tục đầu tư dự án tuyến luồng mới Cửa Lở để Cảng quốc tế Chu Lai (ảnh) tiếp nhận tàu hơn 5 vạn tấn vào năm 2028. Ảnh: CHU LAI
Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, cảng Chu Lai thuộc nhóm cảng biển số 3, là một trong những mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng logistics của miền Trung – Tây Nguyên. Mở rộng cảng không chỉ phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của khu vực mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy thương mại quốc tế, kết nối với các cảng lớn trong khu vực ASEAN.
Ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Trường Hải cho hay, Chu Lai có hàng hóa đi vào, nhưng thiếu chân hàng xuất khẩu. Điểm nghẽn của Chu Lai là chi phí logistics từ Chu Lai, đặc biệt kết nối quốc tế cao hơn 2 đầu đất nước. Ngoài hàng đối lưu, cuối năm 2025, mỗi ngày sẽ có 70-80 container hàng nông sản xuất khẩu qua cảng Chu Lai. Sẽ có tàu con thoi 3 vạn tấn đi Thượng Hải. Từ đó, xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, đón các tuyến hàng đi Nhật Bản…
Mở được luồng Cửa Lở thì chi phí đi quốc tế còn rẻ hơn 2 đầu đất nước. Các doanh nghiệp sẽ ra Quảng Nam hoặc lân cận sản xuất, kêu gọi đầu tư vào miền Trung.
Hiện tại đầu tư tại Chu Lai chủ yếu doanh nghiệp lớn. Còn doanh nghiệp nhỏ rất khó vào vì chi phí logistics lớn. Luồng Cửa Lở đón được tàu 5 vạn tấn hình thành là dự án có ý nghĩa tạo động lực phát triển cho Quảng Nam.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng nói, cảng biển Chu Lai, tuyến luồng Cửa Lở cho tàu 5 vạn tấn là kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng quan trọng có tính chất quyết định đến định hướng phát triển Khu kinh mở Chu Lai và tỉnh Quảng Nam đã được xác định trong các quy hoạch. Đầu tư hạ tầng bến cảng, luồng hàng hải là điều kiện tiên quyết để phát triển và hình thành trung tâm logistics tại Chu Lai.