Dịch bệnh Covid -19 ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, nhập khẩu nguyên liệu, xuất khẩu hàng hóa sang các nước Châu Âu, EU,... các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong các hợp đồng thương mại, công tác đàm phán ký kết hợp đồng bị ngừng trệ, các đơn hàng còn lại chưa thể thông quan do lệnh cấm, hạn chế của các nước ảnh hưởng vùng dịch. Cụ thể:
Hiện nay, doanh nghiệp sản xuất hàng mây tre xuất khẩu, gỗ chế biến xuất khẩu, may mặc, dệt vải,... gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, hoạt động sản xuất, gia công sản xuất cầm chừng, chi phí để duy trì hoạt động trở thành gánh nặng trong khi dòng tiền dần thiếu hụt; doanh thu sụt giảm, một số cơ sở phải tạm ngừng kinh doanh.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nhận định tình hình thị trường thế giới ảnh hưởng bởi hoạt động thương mại kinh tế Mỹ - Trung nên từ đầu năm các doanh nghiệp đều xây dựng kế hoạch tăng quy mô sản xuất, tăng cường tuyển dụng nhân công do các đơn hàng năm 2021 dự kiến tăng 25% nhưng thời gian qua đơn hàng giảm 10-30% dẫn đến thiệt hại mỗi đơn vị khoảng 5-10 tỷ đồng, một số công ty bị thiệt hại từ 30-50 tỷ đồng do ảnh hưởng lớn vì các đối tác chính là Châu Âu, EU... Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cho công nhân nghỉ theo chế độ phép năm, một số chuyển đổi mô hình hoạt động... để duy trì sản xuất, ổn định tâm lý công nhân.
Ảnh minh họa
* Đối với lĩnh vực du lịch
Du lịch là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi Covid 19. Ngành du lịch vừa cố gượng dậy sau năm 2020 bị tác động nặng nề của Covid-19 cùng với thiên tai lịch sử tại miền Trung, đang kỳ vọng vào dịp nghỉ lễ sắp tới thì lại hứng chịu tác động của đợt bùng phát dịch mới. Dẫn tới lượng khách đặt tour cho dịp nghỉ lễ Tết dương lịch, Tết âm lịch và kỳ nghỉ lễ 30/4 - 01/5 năm nay giảm hơn rất nhiều so với các năm do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19. Các DN cung ứng dịch vụ du lịch đang gặp khó khăn rất lớn về tài chính do không có doanh thu và rơi vào tình trạng kiệt quệ.
Trong thời gian qua, các chỉ tiêu về lượng khách và doanh thu sụt giảm mạnh. Trong 06 tháng đầu năm 2021, trên 90% doanh nghiệp kinh doanh lưu trú du lịch, lữ hành, khu điểm du lịch đóng cửa, tạm dừng hoạt động, có 10 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nộp hồ sơ xin thu hồi giấy phép, chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành (08 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và 02 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa); có khoảng 14.000 lao động ngành du lịch mất việc làm và thiệt hại khoảng 13.000 tỷ đồng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Nhiều doanh nghiệp đang khó khăn với các khoản nợ: ngân hàng, thuế, bảo hiểm...,có nguy cơ không thể trả được nợ, lãi vay... và đang đứng trước nguy cơ giải thể, phá sản. Về tổng thể, 06 tháng đầu năm 2021, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch ước đạt 326.300 lượt khách giảm 92% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó: khách quốc tế ước đạt 16.100 lượt khách, giảm 99,4% so với cùng kỳ năm 2019; khách nội địa ước đạt 310.200 lượt khách, giảm 80,3% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 121 tỷ đồng, giảm 96% so với cùng kỳ năm 2019 (tương đương với giảm 2.800 tỷ đồng). Thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 284 tỷ đồng, giảm 6.700 tỷ đồng so với năm 2019. Doanh thu du lịch năm 2021 ước đạt 500 tỷ đồng, giảm 91,9% so với cùng kỳ năm 2019 (tương đương với giảm 5.700 tỷ đồng). Thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 1.175 tỷ đồng, giảm 13.400 tỷ đồng so với năm 2019.
* Đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ
Hoạt động thương mại, dịch vụ những tháng đầu năm 2021 có nhiều chuyển biến tích cực, tình hình mua bán hàng hóa, dịch vụ diễn ra thuận lợi, sức mua của người tiêu dùng tăng ổn định, tuy nhiên từ tháng 5/2021 tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước, khiến cho mức tăng có phần chững lại, riêng đối với ngành dịch vụ bị ảnh hưởng đáng kể. Ước 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 24.888 tỷ đồng, giảm 2.94% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hàng hoá ước đạt 18.316 tỷ đồng, tăng 6,08% so với cùng kỳ, doanh thu dịch vụ ước đạt 6.572 tỷ đồng, giảm 21,54% so với cùng kỳ.
* Đối với lĩnh vực vận tải
Do ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19, dẫn đến doanh nghiệp ngành Giao thông vận tải, nhất là các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa, vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh; đặc biệt là đối với vận tải hành khách, hoạt động kinh doanh bị gián đoạn, có khi bị dừng hoạt động hoặc được phép hoạt động nhưng chỉ được chở lượng khách bằng 50% sức chứa của phương tiện để thực hiện phòng chống dịch. Số lượng khách đi xe giảm dẫn đến doanh thu và sản lượng vận tải giảm sút nghiêm trọng. Đối với đợt bùng phát dịch lần thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), trong tháng 5/2021, phương tiện kinh doanh vận tải hành khách phải ngừng hoạt động theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, sản lượng vận chuyển giảm so với tháng 4/2021.
- Lĩnh vực vận tải (tính từ thời điểm sau ngày 01/5/2021 đến nay): Hoạt động kinh doanh vận tải hành khách du lịch, tuyến cố định chỉ còn 10-20%; Hoạt động kinh doanh vận tải hành khách xe buýt chỉ còn 30-50%; Hoạt động kinh doanh vận tải hành khách Taxi, hợp đồng dưới 9 chỗ chỉ còn 50-60%; Hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa chỉ còn 60-80%.
- Lĩnh vực dịch vụ đào tạo và sát hạch: Có nhiều thời điểm tạm ngưng chiêu sinh, đào tạo và sát hạch nên không đảm bảo kế hoạch giảng dạy, tập luyện và sát hạch để được cấp GPLX nhằm đáp ứng nhu cầu của học viên. Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo điều chỉnh kế hoạch đào tạo phù hợp để tạo điều kiện cho người dân được đào tạo theo nhu cầu. Công tác sát hạch hiện đang tạm dừng để phòng, chống dịch.
- Lĩnh vực dịch vụ đăng kiểm: Trong thời gian dịch bệnh vẫn tiếp tục phục vụ theo chỉ đạo của Chính phủ nhưng số lượng phương tiện kiểm định chỉ còn 60-80% ngày bình thường.
- Hoạt động tại bến xe: Bến xe chủ yếu giải quyết bến bãi phục vụ xe lưu trú do không hoạt động vận chuyển và các dịch vụ kèm theo cũng tạm dừng.