UBND tỉnh đã rất quyết tâm trong chỉ đạo điều hành về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, trong đó chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện, giảm chi phí hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước. Hằng năm, để nâng cao nhận thức của các Sở, ngành và địa phương về ý nghĩa của việc cải thiện chỉ số PCI Quảng Nam, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch, chỉ thị đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh các năm 2015, 2017, 2019 và năm 2020 như: Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 06/8/2015, Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 25/7/2017, Quyết định số 3210/QĐ-UBND ngày 07/10/2019, Quyết định 1757/QĐ-UBND ngày 01/7/2020, Quyết định 3540/QĐ-UBND ngày 08/12/2020. Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo UBND tỉnh, chỉ số PCI Quảng Nam giai đoạn (2016-2020) có những bước cải thiện đáng kể, trong đó 04 năm liên tiếp (năm 2016 đến năm 2019) chỉ số PCI Quảng Nam đều nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất cả nước. Riêng năm 2020, thì chỉ số PCI Quảng Nam nằm ở vị trí 13 trên bảng xếp hạng PCI cả nước (thuộc nhóm chỉ số khá), xếp thứ 2 trong vùng duyên hải miền Trung (sau thành phố Đà Nẵng).
Ảnh minh họa
Nhìn chung, ở giai đoạn này, doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của chính quyền tỉnh Quảng Nam trong cải thiện môi trường kinh doanh ở những nội dung sau:
Một là, tính năng động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của chỉnh quyền tỉnh Quảng Nam luôn được cộng đồng DN đánh giá cao: Theo thời gian, tăng dần tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá “UBND tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN tư nhân” từ 71,56% (năm 2016) lên 89% (năm 2020); 74% DN (năm 2017) được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thông qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc DN thì đến năm 2020 tăng lên 84%; 94% DN (năm 2020) hài lòng với phản hồi, cách giải quyết của cơ quan quản lý nhà nước tỉnh, tăng đáng kể so với con số 82% (năm 2017).
Hai là, giảm gánh nặng chi phí thời gian và chi phí không chính thức cho doanh nghiệp: Trên 90% doanh nghiệp ghi nhận phí, lệ phí được niêm yết công khai; tỷ lệ DN bị thanh, kiểm tra từ 5 cuộc trở lên trong năm từ 13% (năm 2017) xuống còn 0% (năm 2020); Giảm tỷ lệ doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục đất đai, từ 33% (năm 2017) xuống còn 11% (năm 2020); 86% DN (năm 2020) cho rằng "Thời gian thực hiện TTHC được rút ngắn hơn so với quy định", tăng so với con số 72% năm 2017.
Ba là, doanh nghiệp tin tưởng vào cơ quan công quyền của tỉnh: 98% DN (năm 2020) tin tưởng hệ thống pháp luật sẽ đảm bảo quyền tài sản/thực thi hợp đồng của doanh nghiệp, tăng đáng kể so với con số 84,68% (năm 2016); 80,77% DN (năm 2016) cho rằng "phán quyết của tòa án là công bằng", tăng lên 97% DN (năm 2020); 92% DN (năm 2020) chấp nhận mức chi phí chính thức và chi phí không chính thức khi giải quyết tranh chấp qua tòa án tỉnh, tăng cao so với con số 75% (năm 2016).
Bên cạnh đó, ở giai đoạn này, môi trường kinh doanh của tỉnh Quảng Nam vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như (1) Đa số doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn trong giải quyết TTHC về đất đai, trong đó ba khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải trong thực hiện thủ tục đất đai là: thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn niêm yết hoặc văn bản quy định; cán bộ tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ; và thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất mất nhiều thời gian; (2) Gần 70% doanh nghiệp vẫn phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục hành chính; thời gian làm việc với thanh tra, kiểm tra thuế vẫn còn dài (22 giờ) hơn so với địa phương khác; (3) Hệ thống thông tin về kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các thông tin, văn bản pháp luật và tài liệu liên quan mặc dù được công khai qua nhiều kênh khác nhau, nhưng doanh nghiệp cho rằng vẫn cần có "mối quan hệ" mới dễ dàng tiếp cận được thông tin; (4) Trên 50% doanh nghiệp cho rằng việc chi trả chi phí không chính thức là điều bắt buộc để đảm bảo trúng thầu; (5) Trên 60% doanh nghiệp cho rằng nguồn lực doanh nghiệp (hợp đồng, đất đai…) chủ yếu rơi vào doanh nghiệp thân quen cán bộ cơ quan nhà nước; (6) doanh nghiệp vẫn phải tốn nhiều chi phí kinh doanh dành cho đào tạo lao động sau khi tuyển dụng. Để góp phần cải thiện chỉ số PCI Quảng Nam trong thời gian đến, kiến nghị cần tập trung thực hiện tốt một trong những nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất là tập trung bám sát các giải pháp chủ yếu đã được UBND tỉnh đề ra tại Quyết định số 3540/QĐ-UBND ngày 08/12/2020 về Ban hành Kế hoạch cải thiện, nâng cao chỉ số PCI Quảng Nam giai đoạn 2021-2025; Quyết định 477/QĐ-UBND ngày 08/02/2021 về Ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021; Quyết định số 128/QĐ-UBND ngày 13/01/2020 về Kế hoạch triển khai các giải pháp nhằm tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp bị tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 phù hợp với trạng thái "bình thường mới".
Thứ hai là các đơn vị, địa phương cần quan tâm hơn nữa trong công tác chỉ đạo điều hành về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số thành phần PCI liên quan đến lĩnh vực đơn vị quản lý; quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, các bộ phận, phòng ban, đơn vị trực thuộc nắm vững từng chỉ tiêu và các chỉ số thành phần PCI, chủ động tham mưu đề xuất các giải pháp cụ thể, sát thực, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh tại đơn vị, địa phương. Người đứng đầu và tập thể lãnh đạo phải có trách nhiệm đảm bảo đạt các mục tiêu và cải thiện các chỉ số thành phần của PCI theo Quyết định số 3540/QĐ-UBND ngày 08/12/2020 của UBND tỉnh về Ban hành Kế hoạch cải thiện, nâng cao chỉ số PCI Quảng Nam giai đoạn 2021-2025.
Thứ ba là có giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính và các chi phí trong cấp giấy chứng nhận theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh.
Thứ tư là tiếp tục nâng cấp hình thức cũng như chất lượng nội dung đăng tải trên Cổng thông tin điện tử tỉnh tại địa chỉ http://quangnam.gov.vn để thu hút doanh nghiệp truy cập, trong đó ưu tiên đăng tải những nội dung mà doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm. Đẩy mạnh công khai, minh bạch các tài liệu quy hoạch, tài liệu pháp lý trên Trang thông tin điện tử của các Sở, ngành và địa phương để tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng truy cập và tra cứu.
Thứ năm là phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động của Trung tâm giới thiệu việc làm Quảng Nam trong việc tuyển dụng và sử dụng lao động; tăng cường và nâng cao chất lượng các phiên giao dịch việc làm, vận động sự tham gia của các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề và thu hút nhiều đối tượng lao động tham gia góp phần giảm chi phí tuyển dụng lao động cho doanh nghiệp. Nghiên cứu và tham mưu cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng lao động theo quy định của pháp luật đối với các dự án thuộc lĩnh vực, ngành nghề khuyến khích thu hút đầu tư vào tỉnh. Khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đào tạo lao động, cung ứng nguồn lao động đáp ứng nhu cầu về chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển của tỉnh.
Thứ sáu là xây dựng chuyên mục thông tin, giới thiệu về khối doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đến cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, Cổng thông tin Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh và các Trang thông tin điện tử của các Sở, ngành và địa phương để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh dễ dàng tra cứu và kích thích nhu cầu sử dụng dịch vụ do các doanh nghiệp trong tỉnh cung cấp. Tổ chức các hoạt động giới thiệu, thông tin cầu nối và kết nối giữa nhà cung cấp dịch vụ về xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, tư vấn pháp lý, đào tạo… với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thứ bảy là kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh thời kỳ hậu Covid-19 như: Duy trì gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp theo định kỳ và theo chuyên đề, theo ngành, lĩnh vực và theo địa phương; tăng cường hơn nữa hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại, tham dự hội chợ, giới thiệu bán sản phẩm tại các trung tâm thương mại, siêu thị trong và ngoài tỉnh để mở rộng thị trường trong và ngoài nước.
Cuối cùng là các cơ quan truyền thông Trung ương, trong và ngoài tỉnh tập trung triển khai một số chương trình tuyên truyền theo chuyên đề về những nỗ lực của tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, PCI, DDCI, hướng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp…. Duy trì, mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về chủ trương, chính sách thu hút đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.