Chi tiết

Thực hiện nghiêm các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, giảm thiểu nguy cơ gây ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động

Người đăng: hotrodoanhnghiep Ngày đăng: 8:43 | 12/08 Lượt xem: 721

Nhằm phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, ngày 06/8/2021, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam đã ban hành Công văn số 1659/LĐTBXH-TTr về an toàn, vệ sinh lao động, giảm thiểu các nguy cơ gây ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Theo đó, thời gian đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp, nhất là việc thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh lao động trên các công trình xây dựng, các khu công nghiệp tập trung, các cơ sở khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất và truyền tải điện...; xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

Hình minh họa (Sưu tầm: Website)
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh (gọi chung là đơn vị, doanh nghiệp) trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt một số nội dung:          
- Củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của bộ phận an toàn, vệ sinh lao động; bộ phận y tế; mạng lưới an toàn, vệ sinh viên; Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở theo quy định tại các Điều 72, 73, 74, 75 Luật An toàn, vệ sinh lao động và các Điều 36, 37, 38 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động.          
- Thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, pháp luật lao động, huấn luyện AT-VSLĐ; thực hiện việc đăng ký kiểm định trước khi đưa vào sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; rà soát, hoàn chỉnh nội quy, quy trình sản xuất và vận hành phù hợp với từng loại máy, thiết bị và điều kiện sử dụng; tăng cường sử dụng các biển báo, nội quy hướng dẫn tại công trường, nơi làm việc có nhiều yếu tố nguy hiểm, độc hại có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.          
- Tổ chức quan trắc môi trường lao động, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc; khám sức khoẻ định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động; thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường lao động, cải thiện điều kiện làm việc để đảm bảo cho người lao động được làm việc trong môi trường an toàn; chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe, điều kiện ăn ở, sinh hoạt, đi lại cho người lao động.          
- Thường xuyên kiểm tra việc chấp hành nội quy, quy trình làm việc an toàn; kiểm tra việc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân..... của người lao động để ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.          
- Thực hiện chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật; phụ cấp độc hại, nguy hiểm; chế độ bảo hộ lao động, trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho những người lao động làm công việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm theo đúng quy định.          
- Kịp thời khai báo, điều tra các vụ tai nạn lao động và thực hiện đầy đủ chế độ bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo định kỳ về tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, công tác an toàn, vệ sinh lao động với cơ quan quản lý nhà nước các cấp theo quy định.

Tác giả: Trần Thị Xuân Hiền

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: