Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết

Các giải pháp trong việc phục hồi du lịch an toàn và bền vững

Người đăng: hotrodoanhnghiep Ngày đăng: 8:46 | 24/11 Lượt xem: 323

Dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, đòi hỏi ngành du lịch phải có những bước đi thận trọng để đảm bảo vừa mở cửa đón khách du lịch vừa đảm bảo yếu tố an toàn, phòng chống dịch bệnh.

Để làm được điều đó, vai trò của các doanh nghiệp du lịch rất quan trọng, phải xây dựng được các sản phẩm du lịch an toàn, đáp ứng những tiêu chí phòng, chống dịch bệnh của Trung ương và địa phương.
Theo đó, các phương án mở cửa trở lại hoạt động du lịch phải theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ là “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có hơn 90% doanh nghiệp du lịch tạm dừng hoạt động, chỉ còn khoảng 90 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Có khoảng 14.000 lao động ngành du lịch mất việc làm. Trong 9 tháng năm 2021, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch tại tỉnh đạt 326.300 lượt khách, giảm 77,6% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 94,5% so với cùng kỳ năm 2019. Thiệt hại về du lịch trong 9 tháng qua ước tính khoảng 15.000 tỷ đồng. (Nguồn: Báo cáo tại Hội nghị trực truyền bàn giải pháp về việc mở cửa đón khách du lịch đến Quảng Nam, tổ chức ngày 21/10/2021).
Một tín hiệu vui cho du lịch Quảng Nam, vào ngày 17/11 vừa qua Quảng Nam đã đón đoàn khách du lịch quốc tế đầu tiên trở lại sau 2 năm gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Phố cổ Hội An (Ảnh minh họa)
"Hộ chiếu vaccine" - Mở lối du lịch
Đối với khách du lịch đã được tiêm 2 mũi vaccine, nguy cơ nhiễm bệnh và lây lan ra cộng đồng tương đối thấp, là đối tượng đảm bảo an toàn nhất tham gia các hoạt động du lịch. Chính vì vậy, "Hộ chiếu vaccine" hiện nay đang được xem là giải pháp khả thi để tháo gỡ khó khăn, mở cửa nền kinh tế, đặc biệt vực dậy ngành du lịch.
Đồng thời, mở cửa đón khách trở lại, các doanh nghiệp du lịch sẽ là đơn vị tuyến đầu, trực tiếp tiếp xúc với du khách, cần đảm bảo những tiêu chí an toàn phòng chống dịch bệnh là hết sức quan trọng. Đội ngũ nhân lực ngành du lịch phải được đảm bảo đầy đủ các yếu tố phòng chống dịch xuyên suốt quá trình mở cửa trở lại để giảm tối thiểu nguy cơ nhiễm bệnh, do đó việc được tiêm đủ 2 mũi vaccine, trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, nâng cao năng lực ứng phó dịch...là cần thiết.
Tiếp cận nguồn lực tài chính          
Từ khi dịch bùng phát đến nay, hệ thống các tổ chức tín dụng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ về tín dụng, cung cấp các gói vay với lãi suất ưu đãi, giảm lãi suất cho vay, giảm phí dịch vụ thanh toán... Thông tư 14/2021/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước về sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ tốt hơn nữa cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các Thông tư hướng dẫn và thực hiện tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp du lịch có cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn để hoạt động trở lại.
Cần chính sách mở cửa nhất quán          
Mặc dù đã có "Hộ chiếu vaccine" đảm bảo cho việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch, tuy nhiên vẫn chưa có quy định thống nhất giữa các địa phương, mỗi địa phương có những quy định riêng về phòng chống dịch dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp lữ hành trong việc tổ chức các tour du lịch.
Chính vì vậy, các địa  phương cần chủ động kết nối để phát triển tuyến, điểm an toàn liên vùng, thống nhất các tiêu chí an toàn giữa các địa phương. Tăng cường liên kết các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm du lịch của các vùng trong cùng một dòng sản phẩm, ưu tiên các sản phẩm du lịch an toàn khép kín, loại hình sinh thái, hướng về thiên nhiên.
Một số giải pháp khác          
Nghị định 94/2021/NĐ-CP ngày 28/10/2021 sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành. Theo đó, giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết ngày 31/12/2023. Đây là biện pháp hỗ trợ vừa giúp giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lữ hành còn hoạt động cũng như các doanh nghiệp mới muốn tham gia vào lĩnh vực lữ hành.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; thống nhất cổng thông tin khai báo, hạn chế phiền phức cho du khách, dễ dàng cho đơn vị cung cấp dịch vụ, thuận lợi trong việc kiểm tra, giám sát khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.
Nâng cao hiệu quả liên kết "3 địa phương, một điểm đến" giữa Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế, mở rộng liên kết với Quảng Trị, Quảng Bình để cùng nhau kích cầu du lịch, đón những đoàn khách yêu mến vùng đất di sản miền Trung.

Tác giả: Bộ phận tư vấn

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Đăng nhập / Đăng ký

 

Số lượng doanh nghiệp thành lập

Chọn năm:
select

Tổng thu ngân sách

Chọn năm:
select

Bản quyền thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: Số 02 Trần Phú - Thành phố Tam Kỳ - Tỉnh Quảng Nam
Điện thoại: 02352474567
Email: xtdt.skhdt@gmail.com
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập

0000298897