Mục tiêu của Đề án là tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của miền núi; huy động tối đa các nguồn lực để phát triển bền vững kinh tế - xã hội miền núi làm nền tảng xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ và đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế; giải quyết việc làm cho người dân theo hướng phát triển chủ yếu từ kinh tế lâm nghiệp, dược liệu, chăn nuôi và các sản phẩm hàng hóa đặc hữu có lợi thế của khu vực miền núi góp phần cải thiện mức sống, thu hẹp dần khoảng cách về thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của tỉnh. Bố trí sắp xếp ổn định dân cư gắn với công tác bảo vệ phát triển rừng, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ cho sản xuất, đời sống gắn với bảo vệ môi trường. Nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng cho người dân, đồng thời bảo tồn và phát huy tốt các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Định hướng phát triển chủ yếu của vùng miền núi phía Bắc (gồm các huyện: Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang) là phát triển vùng nguyên liệu, dược liệu và cây công nghiệp, ưu tiên phát triển Ba kích, Đẳng sâm, cây ăn quả, rừng gỗ lớn; tận dụng các lợi thế về đất đai phát triển chăn nuôi tập trung, khai thác phát triển du lịch sinh thái kết hợp du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và phát triển đô thị ở các trung tâm huyện lỵ miền núi. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang với vị trí mới là cửa ngõ giao thương quốc tế và gắn với yêu cầu phát triển logictis, kết hợp với phát triển các đô thị hạt nhân là Prao, Thạnh Mỹ và A Tiêng (Tơ Viêng).
Thế mạnh của huyện Nam Trà My là Sâm Ngọc Linh
và dược liệu (Ảnh minh hoạ)
Đối với vùng miền núi thấp ( gồm các huyện Nông Sơn, Hiệp Đức và Tiên Phước) thì định hướng phát triển chủ yếu của vùng là cụm công nghiệp, dịch vụ, du lịch sinh thái và phát triển các vùng nguyên liệu gỗ lớn, cây ăn quả, kinh tế vườn, kinh tế trang trại,... Các đô thị trung tâm làm động lực phát triển cho toàn khu vực là Tiên Kỳ, Tân Bình, Trung Phước.
Vùng miền núi phía Nam (gồm các huyện: Phước Sơn, Nam Trà My và Bắc Trà My) thì định hướng phát triển chủ yếu của vùng là nông, lâm nghiệp - thương mại, dịch vụ gắn với phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn, dược liệu, Sâm Ngọc Linh, Quế Trà My và phát triển du lịch vùng sâm. Xác định 03 đô thị trung tâm là Khâm Đức, Trà My, Tắk Pỏ làm hạt nhân và động lực phát triển cho toàn khu vực.
Đề án cũng đề ra một số nhiệm vụ chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như: hoàn thành bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh phát triển kinh tế miền núi trên cơ sở khai thác hợp lý các tiềm năng thế mạnh, tập trung phát triển nông lâm nghiệp và du lịch bền vững; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, đẩy mạnh giáo dục gắn với phát triển nguồn nhân lực và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.