Kế hoạch tập trung vào phát triển sản xuất rau, củ, quả an toàn (rau đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ hoặc các tiêu chuẩn của người đặt hàng) gắn với nhu cầu thị trường, các cơ sở chế biến. Khuyến khích chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng rau an toàn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào sản xuất rau an toàn theo chuỗi giá trị, chế biến, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng lớn gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Tăng cường đẩy mạnh việc hình thành các loại hình kinh tế tập thể hợp tác sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả và xây dựng thương hiệu, cấp và sử dụng mã số vùng trồng hiệu quả; quảng bá và phát triển làng nghề, du lịch nông nghiệp, thực hiện tốt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn tỉnh.
Ảnh minh họa (Sưu tầm: website)
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, hình thành được 8 mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có ứng dụng công nghệ cao, tưới tiến tiến, tưới tiết kiệm với quy mô khoảng 5 ha/mô hình trên địa bàn 8 huyện trọng điểm sản xuất rau của tỉnh. Kêu gọi và thu hút được 3-5 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực liên kết sản xuất, chế biến. Có ít nhất 10% diện tích rau an toàn được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP và tiêu chuẩn GAP khác theo quy địnhn và tiêu thụ sản phẩm rau đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để thực hiện tốt mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan Rà soát, khoanh vùng, định hướng để phát triển các vùng chuyên canh rau, củ, quả tập trung theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, tưới tiết kiệm để xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất phù hợp. Xây dựng một số mô hình điểm (khoảng 8 mô hình) về ứng dụng công nghệ cao, tưới tiết kiệm, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và xây dựng mô hình điểm liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Trước mắt tập trung củng cố và thành lập mới các hợp tác xã hoặc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào 03 vùng rau có các cơ sở chế biến hiện có (tại Duy Xuyên, Đại Lộc và Thăng Bình) để phát triển thành các vùng rau chuyên canh của tỉnh. Nghiên cứu xây dựng, ban hành các quy định phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết phát triển sản xuất vùng chuyên canh rau, củ, quả ứng dụng khoa học công nghệ nhằm sản xuất an toàn, bền vững và hiệu quả. Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, chế biến, tạo ra những sản phẩm chất lượng, có giá trị gắn với việc xây dựng thương hiệu, cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo quy định; thực hiện tốt và có hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đối với việc chứng nhận sản phẩm rau an toàn. Đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực (đội ngũ cán bộ, nông dân, HTX, THT...) phục vụ phát triển sản xuất rau, củ, quả phù hợp với yêu cầu công nghệ mới và nhu cầu thị trường; xây dựng đội ngũ cán bộ, quản lý đủ điều kiện và năng lực để thực hiện nhiệm vụ quản lý nguồn giống, vật tư đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) và an toàn thực phẩm (kể cả năng lực đánh giá và tổ chức chứng nhận sản phẩm rau, củ quả an toàn) tại địa phương; đẩy mạnh việc hình thành và phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác. Tập trung và ưu tiên hỗ trợ, xây dựng hệ thống tưới - tiêu phù hợp cho các vùng sản xuất rau, củ, quả tập trung, có quy mô lớn gắn với việc liên kết và tổ chức tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ liên kết sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ để tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm rau, củ, quả an toàn. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người sản xuất áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến, tưới tiết kiệm…để nâng cao chất lượng và chứng nhận sản phẩm rau, củ, quả an toàn theo quy định; chú trọng công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm rau, củ, quả đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đến với người tiêu dùng và thị trường tiềm năng.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương hướng dẫn việc rà soát, bổ sung các quy hoạch sản xuất rau, củ, quả vào Quy hoạch phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh; trong đó, chú trọng quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, chú ý quy hoạch, định hướng vùng trồng phù hợp cho từng chủng loại rau. Tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách, chủ trương của trung ương, của tỉnh về khuyến khích phát triển rau, củ, quả an toàn. Tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chú trọng đào tạo nghề cho lao động tại các trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn, tập huấn liên quan giám sát, chứng nhận rau an toàn trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, nguồn giống có hiệu quả cho người sản xuất; hằng năm, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm về phát triển rau, củ, quả an toàn…tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Tăng cường công tác quản lý chuyên ngành việc sản xuất, kinh doanh, buôn bán giống, vật tư nông nghiệp, thuốc BVTV…cung cấp cho các vùng sản xuất cây rau an toàn tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.