Lợi ích của việc sử dụng hóa đơn điện tử
Việc thực hiện đúng các quy định về hoá đơn, chứng từ của các tổ chức, cá nhân giúp tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế, từ đó giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được thuận lợi. Bên cạnh đó, hóa đơn điện tử giúp đẩy mạnh sự phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới. Triển khai hóa đơn điện tử là một trong các nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, chuyển đổi số đối với cơ quan tài chính cũng như trong các cơ quan nhà nước khác.
Tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ có thể dễ dàng tra cứu và đối chiếu được hóa đơn điện tử do người bán cung cấp. Sử dụng hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy (giảm chi phí giấy in, mực in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn), giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế. Đặc biệt, sử dụng hóa đơn điện tử tạo sự yên tâm cho người mua hàng hóa, dịch vụ. Sau khi nhận hóa đơn điện tử, người mua hàng hóa, dịch vụ có thể kiểm tra ngay trên hệ thống của Cơ quan thuế để biết chính xác thông tin của hóa đơn người bán khai báo với Cơ quan thuế và thông tin người bán cung cấp cho người mua.
Với tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, việc thực hiện đúng các quy định về hoá đơn, chứng từ sẽ giúp tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế, từ đó giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh được thuận lợi; giảm thủ tục hành chính và thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về thuế…
Đối với cơ quan thuế và các cơ quan nhà nước có liên quan, việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, kết hợp với các thông tin quản lý thuế khác để xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về người nộp thuế đáp ứng yêu cầu phân tích thông tin phục vụ điều hành, dự báo, hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ luật về thuế và quản lý rủi ro trong quản lý thuế
Quyết liệt trong triển khai thực hiện hóa đơn điện tử
Trong thời gian qua, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, đặc biệt là Tổng cục Thuế đã hết sức nỗ lực, quyết tâm vào cuộc, triển khai khẩn trương, quyết liệt các nhiệm vụ, nội dung công việc nhằm sớm đưa hóa đơn điện tử vào cuộc sống, cụ thể như: Xây dựng hệ thống cơ chế chính sách pháp luật, hành lang pháp lý rõ ràng (Luật quản lý thuế, Nghị định và Thông tư hướng dẫn); Khẩn trương, quyết liệt triển khai chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật (Đầu tư máy móc thiết bị, nâng cấp đường truyền; Xây dựng phần mềm ứng dụng; Thành lập các trung tâm điều hành tại Tổng cục và 06 Cục Thuế; Thành lập BCĐ triển khai hóa đơn điện tử của ngành Thuế và BCĐ tại 06 tỉnh, thành phố ...).
Thực hiện quy định của Luật Quản lý thuế, Chương trình chuyển đổi số quốc gia Việt Nam đến năm 2030 và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021, Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành Thông tư hướng dẫn triển khai Nghị định về hóa đơn điện tử và ban hành các quyết định triển khai hệ thống hóa đơn điện tử theo 2 giai đoạn.
- Giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, gồm: thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ và Bình Định bắt đầu từ tháng 11/2021.
- Giai đoạn 2 tại 57 địa phương còn lại, đảm bảo đến ngày 30/6/2022 đạt 100% doanh nghiệp trên toàn quốc áp dụng hóa đơn điện tử.

Ảnh sưu tầm
Vì tầm quan trọng cũng như những lợi ích to lớn mà hóa đơn điện tử mang lại, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhân dân và doanh nghiệp để hóa đơn điện tử sớm được áp dụng rộng rãi, phát huy tối đa lợi ích mà nó mang lại cho toàn xã hội.
Chi tiết Nghị định 123/2020/NĐ-CP tải tại đây