Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2025 Chỉ số CCHC, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính (SIPAS), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của Quảng Nam thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thuộc nhóm 06 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. Quảng Nam thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chính quyền điện tử, chính quyền số. 100% TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; số hóa 100% kết quả giải quyết TTHC đang còn hiệu lực và có giá trị sử dụng lại của tỉnh. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt 90% trở lên; trong đó, lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt 85% trở lên. Mức độ hài lòng của người dân về dịch vụ cung cấp y tế, giáo dục công lập đạt 85% trở lên. 100% giao dịch trên các Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của các cấp được xác thực điện tử; 90% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền thuộc tỉnh.
Ảnh minh họa (Sưu tầm: Nguồn Internet)
Định hướng đến năm 2030, Chỉ số CCHC, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính, Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thuộc nhóm 05 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật). 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền thuộc tỉnh. Mức độ hài lòng về giải quyết TTHC lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt tối thiểu 90%.
Để đạt được mục tiêu trên, Nghị quyết đề ra 08 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, cụ thể như sau: (1) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ CCHC; (2) Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý có tư duy khoa học, đổi mới, có phương pháp, kỹ năng, phong cách làm việc hiện đại, chuyên nghiệp; (3) Đẩy mạnh cải cách thể chế, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; (4) Quyết liệt cải cách TTHC nhằm cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC (chi phí chính thức và không chính thức) để thúc đẩy môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng; (5) Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả: (6) Cải cách tài chính công; (7) Tạo bước đột phá trong hiện đại hóa nền hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; (8) Tiếp tục đẩy mạnh CCHC trong các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội.
Tỉnh ủy giao các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh tổ chức quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện sát đúng với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương; bổ sung các chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết vào kế hoạch hằng năm của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; định kỳ kiểm tra, đánh giá việc thực hiện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục củng cố, kiện toàn và phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh.