Mục tiêu của Kế hoạch đến năm 2025, tỷ lệ sản xuất dưới các hình thức liên kết đạt từ 20% giá trị sản phẩm các loại cây trồng; sản xuất theo các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) hoặc tương đương đạt 10%; tỷ trọng chăn nuôi đạt 35% trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp; chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô trang trại chiếm hơn 30% tổng đàn; tỷ lệ sản lượng hải sản khai thác xa bờ chiếm trên 60%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 61% (trong đó độ che phủ rừng tự nhiên đạt 45,27%); có 20% diện tích đất rừng trồng sản xuất (30.000 ha) được cấp giấy chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn, tiêu chí của quản trị rừng quốc tế (FSC); ứng dụng cơ giới hóa vùng tập trung chuyên canh, vùng sản xuất giống lúa, ngô, rau thực phẩm, dược liệu giống trên 95%; tỷ lệ diện tích sản xuất được tưới khoa học, tưới tiết kiệm đạt trên 20%; có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; trên địa bàn nông thôn không còn nhà tạm, nhà dột nát; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 1,5 lần trở lên so với năm 2020.
Đến năm 2030, tỷ lệ sản xuất dưới các hình thức liên kết đạt từ 50% giá trị sản phẩm các loại cây trồng; sản xuất theo các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) hoặc tương đương đạt 30%; chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô trang trại chiếm hơn 50% tổng đàn; có 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 02 lần trở lên so với năm 2020.
Ảnh minh họa (Sưu tầm: Nguồn Website)
Kế hoạch đề ra 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện, đó là: (1) Kịp thời rà soát, hoàn thiện, ban hành mới các cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. (2) Phát triển nông nghiệp toàn diện, thích ứng với biến đổi khí hậu; nông nghiệp tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học; nông nghiệp kết hợp du lịch. (3) Chuyển đổi nhận thức về tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh doanh nông nghiệp. (4) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; phát triển mô hình “Làng nông nghiệp đô thị” hài hòa trong chuỗi mắc xích nông thôn gắn với đô thị. (5) Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp. (6) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của việc phát triển bền vững nông nghiệp - nông thôn gắn với sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.
UBND giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành và địa phương tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành các mục tiêu tại Kết luận số 91-KL/TU của Tỉnh ủy về phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; hình thành bộ chỉ tiêu về phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo thuận lợi cho việc thực hiên của các địa phương và thuận lợi cho công tác giám sát, đánh giá kết quả thực hiện. Đồng thời, UBND cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cân đối vốn và lồng ghép các nguồn vốn đầu tư công để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; chú trọng các công trình phục vụ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội miền núi; các chương trình phát triển kinh tế nông thôn; tham mưu xây dựng, điều chỉnh, bổ sung, tổ chức thực hiện tốt chính sách về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và các chính sách về phát triển kinh tế tập thể.