Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 13/01/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025. Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm huy động tổng hợp các nguồn lực để thực hiện Chương trình OCOP đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ và thời gian.
Với mục tiêu phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh (tập trung phát triển thành phần kinh tế hợp tác và kinh tế tư nhân theo hướng cộng đồng (các HTX, Doanh nghiệp vừa và nhỏ) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, sản phẩm có lợi thế ở khu vực nông thôn góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Thông qua việc phát triển sản xuất tại địa bàn khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; hạn chế nông dân di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ, phát triển xã hội khu vực nông thôn bền vững.
Ngày 24/12/2021 UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 3794/QĐ-UBND ngày 24/12/2021 Phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2021 thuộc “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2021-2025.
(Ảnh sưu tầm)
Qua đó, phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2021 thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025 cụ thể như sau:
- Sản phẩm đạt hạng 4 sao (****): Có 07 sản phẩm của 07 chủ thể.
- Sản phẩm đạt hạng 3 sao (***): Có 18 sản phẩm của 16 chủ thể.
Sản phẩm công nhận đạt các hạng sao nêu trên được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận, được sử dụng logo “OCOP Trung ương”, thứ hạng sao in trên bao bì.
Kết quả công nhận phân hạng có giá trị trong 03 năm (36 tháng), kể từ ngày Quyết định được ký ban hành.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT (Cơ quan thường trực Chương trình OCOP) tham mưu tổ chức việc trao Giấy chứng nhận cho các sản phẩm được công nhận phân hạng OCOP; hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ thể sản xuất thực hiện việc sử dụng logo OCOP đối với các sản phẩm được công nhận thứ hạng sao theo quy định; phối hợp thực hiện việc kiểm tra sản phẩm OCOP định kỳ hàng năm.