Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt kinh tế - xã hội, làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị, tổ chức hoạt động kinh tế và đời sống xã hội toàn cầu, buộc phải điều chỉnh định hướng, chiến lược phòng, chống dịch bệnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Tăng trưởng kinh tế chững lại và thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch; hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề; nhiều hoạt động kinh tế - xã hội ngưng trệ, gián đoạn chuỗi cung ứng.
Năm 2022 phát triển dịch vụ - du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn (Ảnh: Đỗ Thu Nga)
Trong bối cảnh gặp khó khăn, thách thức lớn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh tập trung khắc phục khó khăn, phấn đấu thực hiện đạt kết quả một số lĩnh vực sau:
Công tác phòng chống dịch bệnh
Đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt. Đã tổ chức đón hơn 5.091 người từ thành phố Hồ Chí Minh và hơn 2.390 người từ thành phố Đà Nẵng về Quảng Nam; đón và cách ly gần 28.000 công dân Việt nam ở nước ngoài về cách ly có thu phí tại trên 20 cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh; thí điểm đón hơn 350 khách du lịch quốc tế đến Quảng Nam,… Bên cạnh đó, đã triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19; vừa đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch vừa không làm đứt gãy sản xuất.
Đạt được kết quả nêu trên là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm cao, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, địa phương, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu chống dịch như y tế, quân đội, công an, các lực lượng cơ sở và sự đoàn kết, đồng tình ủng hộ, tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, công tác phòng, chống dịch ngày càng chuyên biến tích cực, hiệu quả hơn.
Tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu hồi phục
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) dự kiến năm 2021 tăng khoảng 5,04%, chưa đạt kế hoạch năm 2021 đề ra (6,5-7,0%). Tuy nhiên, đây là mức trưởng khá trong bối cảnh chịu tác động hết sức nặng nề của dịch bệnh Covid-19, là một trong những tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng khá của cả nước.
Quy mô nền kinh tế (theo giá hiện hành) hơn 102.654 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp chiếm 14,08%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,68%, trong đó công nghiệp chiếm 28,37%; khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 32,8%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 18,45%. Tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người đạt 67,5 triệu đồng, tăng 6,63% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 30.258 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ.
Thị trường tài chính ổn định, thu ngân sách nhà nước đảm bảo tiến độ, dự kiến vượt dự toán năm
Đến cuối năm 2021, nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 68.776 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Dư nợ cho vay hơn 81.589 tỷ đồng, tăng 2,82%. Đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 1.298 khách hàng, tổng nợ đã cơ cấu 3.239,5 tỷ đồng; miễn, giảm lãi cho 291 khách hàng, tổng số tiền lãi đã giảm 19,3 tỷ đồng.
Tín dụng ngân hàng ước đạt 87.215,71 tỷ đồng, tăng 9,91% so với cùng kỳ, đạt 98,81% kế hoạch.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh 21.154 tỷ đồng, đạt 109,3% so với dự toán; trong đó, thu nội địa 17.519 tỷ đồng, đạt 109,5% dự toán; thu xuất nhập khẩu 3.635 tỷ đồng, đạt 108,5% dự toán, bằng 79,57% so với cùng kỳ.
Về đầu tư phát triển
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 thực hiện hơn 5.015 tỷ đồng, bằng 77,6% so với kế hoạch vốn thực hiện năm 2020. Nguồn lực triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh, các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy về các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh đã được đảm bảo thực hiện trong năm 2021 hơn 700 tỷ đồng, tăng hơn 230 tỷ đồng so với kế hoạch thực hiện năm 2020. Nguồn vốn ODA trong năm 2021 tập trung đầu tư đầu tư lĩnh vực chủ yếu như: giao thông, nông nghiệp phát triển nông thôn,...
Đến ngày 30/11/2021, tổng vốn đầu tư công năm 2021 giải ngân hơn 4.863 tỷ đồng, đạt 66,6% (nếu chưa tính 1.430 tỷ đồng tiền thu sử dụng đất, giải ngân đạt 82,7%); trong đó, kế hoạch năm 2021 giải ngân 3.365/5.015 tỷ đồng, đạt 67,1%; kế hoạch vốn năm 2020 kéo dài giải ngân 1.498/2.291 tỷ đồng, đạt 65,4%. Số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản tính đến hết Quý III/2021 là 1.087,5 tỷ đồng.
Cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Triển khai tích cực các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút vốn đầu tư phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh quan hệ với các cơ quan đại diện ngoại giao để hợp tác, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư. Tổ chức buổi gặp mặt các doanh nghiệp lớn tại thành phố Hồ Chí Minh để kêu gọi đầu tư vào tỉnh Quảng Nam trong lĩnh vực du lịch. Hợp tác chặt chẽ, tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức nước ngoài,... Thường xuyên theo dõi, trả lời các phản ánh của doanh nghiệp. Xây dựng kênh tương tác với doanh nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau như: trực tuyến qua Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam, đường dây nóng qua Tổng đài 1022, ứng dụng Smart Quảng Nam để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp để tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Từ đầu năm đến nay đã cấp mới 06 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 14,71 triệu USD thuộc các lĩnh vực: công nghiệp chế biến - chế tạo, dịch vụ. Trong đó, có một số dự án lớn như: dự án Sản xuất nhựa dẻo, nhựa gia cố sợi thủy tinh, nhựa gia cố sợi carbon và công cụ phục vụ trong ngành công nghiệp ô tô và nội thất tại KCN Tam Thăng; dự án Nhà máy sản xuất lắp ráp xe đạp FM Sports & Leisure Product tại Cụm công nghiệp Đồi 30; dự án Nhà máy sản xuất đèn led trang trí, đèn tiết kiệm năng lượng tại KCN Thuận Yên;… Nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh đến nay là 193 dự án với tổng vốn đầu tư gần 5,8 tỷ USD.
Giai đoạn 5 năm liên tiếp (2015-2019) chỉ số PCI Quảng Nam đều nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất cả nước. Tuy nhiên, năm 2020 chỉ số PCI Quảng Nam có sự sụt giảm về điểm số, đứng ở vị trí thứ 13 trong bảng xếp hạng của 63 tỉnh/thành trong cả nước (tụt 7 bậc so với năm 2019), xếp thứ 2 trong vùng duyên hải miền Trung, đứng sau thành phố Đà Nẵng và thuộc nhóm tỉnh có chỉ số khá. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020 xếp vị thứ 21/63 tỉnh, thành phố tăng 01 bậc so với năm 2019, thuộc nhóm các tỉnh, thành đạt điểm trung bình.
Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đạt được những kết quả nhất định. Tổ chức thành công Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam lần thứ 2-Techfesh Quảng Nam 2021. Xây dựng và vận hành Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; mô hình triển khai Hệ sinh thái tích hợp khoa học, hiệu quả, mở rộng kết nối, tạo cảm hứng, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo, được các cơ quan Trung ương, chuyên gia khởi nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp đánh giá cao. Toàn tỉnh có 18/18 huyện đã xây dựng và ban hành Kế hoạch xây dựng Hệ sinh thái hệ sinh thái khởi nghiệp cấp huyện; mạng lưới Câu lạc bộ cấp huyện đã thành lập tại hơn 10 địa phương và 02 trường Đại học, Cao đẳng.
Cải cách hành chính được tập trung thực hiện
Đẩy mạnh công tác phân cấp, ủy quyền trên các lĩnh vực đất đai, đầu tư, quản lý thu - chi ngân sách, tổ chức bộ máy, biên chế,… Đến nay, UBND tỉnh đã ủy quyền cho các Sở, ngành thuộc tỉnh giải quyết hơn 136 thủ tục hành chính, chiếm tỷ lệ 52% tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.
Các thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn ngày càng tăng. Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh đã tiếp nhận 66.039 hồ sơ và đã giải quyết 54.658 hồ sơ; trong đó trước và đúng hạn 54.541 hồ sơ, chiếm 99,8% tổng hồ sơ và trễ hạn 117 hồ sơ, chiếm 0,2% tổng hồ sơ. Triển khai dịch vụ bưu chính công ích nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết tại Trung tâm.
Công tác vận hành, quản lý Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh (LRIS), Trung tâm giám sát, điều hành thông minh Quảng Nam (IOC Quảng Nam) cơ bản đáp ứng công tác chỉ đạo, điều hành. Xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, số hóa và tích hợp dữ liệu của ngành, địa phương tích hợp dữ liệu của các Sở, ngành, địa phương qua trục tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) để kết xuất thông tin cần thiết lên IOC Quảng Nam.