Cùng với chiến dịch tiêm chủng thần tốc, đến đầu năm 2022, diện bao phủ vắc xin nhất là đối với nhóm người có nguy cơ cao, các đô thị lớn tăng nhanh giúp chúng ta chủ động hơn trong phòng, chống dịch; có thuốc điều trị giúp giảm số ca nặng, tử vong và giảm tỷ lệ mắc. Đây là tiền đề quan trọng giúp Chính phủ mạnh dạn mở cửa các hoạt động kinh tế - xã hội, quyết liệt xây dựng các giải pháp tối ưu phục hồi và phát triển kinh tế hậu Covid-19.
Doanh nghiệp linh hoạt thích ứng, phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19
Một số chính sách phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian đến
Ngày 08/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phải tiếp tục đổi mới, chủ động thích ứng, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn theo tinh thần chủ đề điều hành "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển".
Ngày 11/01/2022, trong Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Theo đó, quy mô gói chính sách tài khoá, tiền tệ này khoảng 350.000 tỷ đồng được triển khai trong vòng hai năm. Trong đó, tăng chi cho đầu tư, phát triển là 176.000 tỷ đồng, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023. Chính sách tài khoá gồm khoản chi cho miễn giảm thuế, trong đó giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%). Chính sách tiền tệ tập trung giải pháp để điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ lãi suất, tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5-1% trong 2 năm 2022 và 2023.
Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 để triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, trong đó có giải pháp giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022 cho các DN, hộ gia đình, cá nhân phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của Covid-19, giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký xe ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; tiếp tục nghiên cứu rà soát các loại phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng của Covid-19; gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022; tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Để thực hiện hiệu quả các giải pháp tối ưu nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, các cơ quan từ trung ương đến địa phương, chủ động đề ra các cơ chế, quyết sách tập trung cho nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế của từng ngành, từng địa phương. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm nhằm tạo ra xung lực vực dậy các thành phần kinh tế khác.