Việc đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức phải đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, chính xác, khách quan, công bằng, đảm bảo quy trình, đúng thực chất, đúng thẩm quyền, đúng đối tượng và theo tiêu chí cụ thể; không mang tính hình thức; không nể nang, né tránh, ngại va chạm; không thiên vị, trù dập. Cấp nào, người nào trực tiếp lãnh đạo, giao việc thì đồng thời thực hiện đánh giá, xếp loại. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định việc xếp loại, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Ảnh sưu tầm
Việc đánh giá phải căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện nhiệm vụ về tiến độ và chất lượng, sản phẩm cụ thể; số lượng công việc được giao theo kế hoạch; nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất; mức độ khó, phức tạp, yêu cầu của công việc; ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương, chấp hành các quy định, quy chế…; đánh giá cần làm rõ ưu điểm, khuyết điểm, tồn tại, hạn chế về phẩm chất, năng lực, trình độ của cán bộ, công chức, viên chức.
Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị căn cứ yêu cầu nhiệm vụ chính trị, xây dựng Quy chế đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý trong nội bộ cơ quan, đơn vị; đồng thời, chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy.