Qua phân tích 10 chỉ số thành phần trong PCI năm 2021 của tỉnh Quảng Nam cho thấy có: 04 chỉ số thành phần tăng điểm - tăng bậc (chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Tiếp cận đất đai, Cạnh tranh bình đằng, Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự); 01 chỉ số thành phần tăng điểm - giảm bậc (Chi phí không chính thức); 02 chỉ số thành phần giảm điểm - giảm bậc (Tính minh bạch và Tính năng động); 03 chỉ số thành phần giảm điểm - tăng bậc (Gia nhập thị trường, Đào tạo lao động và Chi phí thời gian).
(10 Chỉ số thành phần của PCI - Quảng Nam)
Theo kết quả đánh giá của VCCI, một số hạn chế cần được nhìn nhận đó là: việc thực thi và thừa hành các chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh ở các Sở, Ban, ngành và địa phương chưa hiệu quả; cạnh tranh bình đẳng về môi trường kinh doanh vẫn còn một số bất cập; các doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục sau khi gia nhập thị trường; thủ tục về tiếp cận đất đai vẫn còn gây trở ngại cho các doanh nghiệp; thanh tra, kiểm tra vẫn còn chồng chéo, bất cập, đã ít nhiều gây nên sự phiền hà và khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp…
Nhằm mục đích cải thiện, nâng cao chỉ số PCI năm 2022, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị đánh giá Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh nhằm tìm ra các nguyên nhân ảnh hưởng đến PCI của tỉnh. Theo đó, để khắc phục những tồn tại, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh gắn với nâng cao thứ hạng Chỉ số PCI của tỉnh trong thời gian đến, UBND tỉnh đã yêu cầu các Sở, ngành, địa phương nghiêm túc thực thi tốt các chủ trương, giải pháp của tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao thứ hạng Chỉ số PCI; đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt để cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của việc cải thiện các chỉ số thành phần trong PCI. Tiếp tục cải tiến hình thức và chất lượng Trang thông tin điện tử của các Sở, ngành, địa phương tạo sự minh bạch, bình đẳng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận thông tin; công bố, công khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phát triển kinh tế xã hội, phát triển ngành, lĩnh vực, danh mục dự án kêu gọi, thu hút đầu tư trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Trang thông tin điện tử của các Sở, ngành, địa phương. Xây dựng cơ chế tạo quỹ đất sạch, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất lựa chọn nhà đầu tư theo quy định để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án. Tham mưu UBND tỉnh rút ngắn thủ tục và thời gian giải quyết cho doanh nghiệp, nhất là các thủ tục có tầng suất giao dịch lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực: đăng ký thành lập doanh nghiệp, đầu tư, môi trường, đất đai, xây dựng, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, cấp giấy chứng nhận phòng cháy chưa cháy,…
Cùng với những nhiệm vụ cụ thể trên thì UBND tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với nâng cao thứ hạng chỉ số PCI tỉnh Quảng Nam năm 2022; tham mưu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lấy ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy để ban hành Đề án đánh giá chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố (DDCI) và nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về cải thiện Chỉ số PCI, DDCI tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025; xây dựng Trang Zalo Quảng Nam Investor Care để cung cấp thông tin về môi trường đầu tư, đồng thời tiếp nhận, tương tác và phản hồi các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư; nâng cấp nội dung, hình thức Cổng thông tin Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh theo hướng lồng ghép, tích hợp toàn bộ nội dung liên quan đến Chỉ số PCI, DDCI để phổ biến, tuyên truyền cho các Sở, Ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp được biết và nghiên cứu; phối hợp với các cơ quan báo, đài xây dựng các chuyên đề riêng biệt về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, nâng cao Chỉ số PCI trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận, nắm bắt thông tin và tham gia đóng góp ý kiến về các chính sách, chủ trương phát triển Kinh tế xã hội của tỉnh.