Ảnh sưu tầm
Tham dự lễ khai mạc Lễ hội sâm Ngọc Linh có đồng chí Lê Văn Dũng - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Hồ Quang Bửu - Phó chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể thuộc tỉnh; Đoàn khách của Quận Hamyang, tỉnh Gyeongsangnam, Hàn Quốc; các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Kon Tum và Quảng Ngãi.
Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động như: Hoạt động thương mại, buôn bán sâm Ngọc Linh và sản phẩm nông lâm sản đặc trưng miền núi; Hội thi sâm Ngọc Linh; tổ chức các trò chơi dân gian; hoạt động du lịch; hội trại khát vọng tuổi trẻ; hội thi cồng chiêng;…
Phiên chợ Sâm Ngọc Linh và hàng nông sản với số lượng trên 40 gian hàng trưng bày giới thiệu các sản phẩm trên lĩnh vực nông - lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các sản phẩm làm ra từ các làng nghề trên địa bàn tỉnh, nhất là những sản phẩm đặc trưng của huyện Nam Trà My như: sâm Ngọc Linh, các loại cây dược liệu đã thu hút trên 4.500 lượt người đến tham quan, mua sắm với doanh thu thống kê được khoảng 10 tỷ đồng, trong đó riêng mặt hàng sâm củ Ngọc Linh bán được khoảng 63 kg, thu về gần 9,5 tỷ đồng.
Trong những ngày diễn ra Lễ hội, tại phiên chợ đã tổ chức Hội thi sâm Ngọc Linh; số lượng sản phẩm sâm Ngọc Linh tham gia là 392 cây, trong đó: sâm loại 01 - 4 năm tuổi là 84 cây, sâm 05 tuổi là 114 cây, sâm loại 07 là 96 cây, sâm loại 9 tuổi là 62 cây, sâm loại 10 tuổi 36 cây; kết quả thi đã chấm chọn và trao 05 giải nhất, 10 giải nhì, 15 giải ba và 20 giải khuyến khích cho mỗi loại tuổi sâm. Đây là cơ hội để cho các hộ trồng sâm trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về phương pháp tạo giống, trồng, chăm sóc và phát triển cây sâm để có thu hoạch tốt nhất.
Trong chuỗi các sự kiện của Lễ hội, UBND huyện tổ chức phát động cuộc thi sáng tác các tác phẩm nhạc, ảnh nghệ thuật về cây sâm Ngọc Linh, vùng đất, văn hóa, thiên nhiên và con người huyện Nam Trà My, cuộc thi đã có 45 tác giả tham gia với 214 tác phẩm các loại thu hút hơn 2300 lượt khách đến tham quan, chụp hình. Đồng thời, Ban Thường trực UBMTTQVN huyện, các hội, đoàn thể huyện tổ chức các trò chơi dân gian, trình diễn, giới thiệu các nghề truyền thống của địa phương như: giả gạo truyền thống, bắn nỏ, đi cà kheo, đốt lửa trại và múa cồng chiêng, nấu cơm lam, nướng thịt ống, kéo co ngược, nhảy bao bố, thi dân vũ, khiêu vũ, múa sạp, đan lát, dệt và may mặc sản phẩm thổ cẩm…
Xuyên suốt 03 ngày của Lễ hội đã có hơn 11.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm và tham gia các hoạt động tại Lễ hội, trong đó có khoảng 3.000 lượt khách ngoại tỉnh và khách quốc tế. Đồng thời tại thời điểm trước và trong Lễ hội lần này đã có 10 đoàn khách du lịch, ước tính 200 lượt khách đã đến tham quan vườn sâm giống Tak Ngo, các vườn, chốt trồng sâm của nhân dân và các điểm du lịch khác như: suối Đôi, thác 5 Tầng, thác Tây Du Ký, vườn tre khổng lồ, vườn quế cố thụ, thác nước mát Trà Vân, suối nước nóng Trà Don…
Bên cạnh các hoạt động của Lễ hội, được sự thống nhất chủ trương của UBND tỉnh, UBND huyện Nam Trà My đã tổ chức ký kết biên bản hợp tác với Chính quyền quận HamYang, tỉnh Gyeongsangnam, Hàn Quốc về việc phái cử và tiếp nhận lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc và ký kết bản thỏa thuận kết nghĩa giữa huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam và huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.