Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch là phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh (tập trung phát triển thành phần kinh tế hợp tác và kinh tế tư nhân theo hướng cộng đồng (các HTX, Doanh nghiệp vừa và nhỏ) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, sản phẩm có lợi thế ở khu vực nông thôn góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Thông qua việc phát triển sản xuất tại địa bàn khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; hạn chế nông dân di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ, phát triển xã hội khu vực nông thôn bền vững.
Ảnh sưu tầm
Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng đề ra những mục tiêu cụ thể:
- 100% đơn vị cấp huyện củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức OCOP cấp huyện, cấp xã và hoàn thiện bộ máy tham mưu giúp việc Chương trình OCOP các cấp; 100% cán bộ OCOP cấp huyện, cấp xã và các chủ thể mới tham gia Chương trình OCOP năm 2023 phải được tham gia tập huấn các nội dung cơ bản của Chương trình, nhất là nội dung cụ thể các bước trong chu trình OCOP.
- Về phát triển sản phẩm: Hỗ trợ phát triển/nâng cấp 333 sản phẩm đã được công nhận, phấn đấu trong năm 2023 có ít nhất 70% số sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP đạt hạng 3 sao trở lên; trong đó, có từ 10 đến 15 sản phẩm 04 sao.
- Về phát triển tổ chức kinh tế: Hỗ trợ củng cố, nâng cấp/thành lập mới ít nhất 10 tổ chức kinh tế (Doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX) tham gia OCOP.
- 100% chủ thể đăng ký tham gia có cam kết sản xuất sản phẩm theo quy định về an toàn thực phẩm; bao bì, nhãn mác, đóng gói được nâng cấp đảm bảo quy định; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong quá trình sản xuất, lưu thông cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
- Xây dựng/nâng cấp các điểm, trung tâm bán hàng OCOP cấp huyện. Đảm bảo đến cuối năm 2023, tất cả 18 huyện, thị xã, thành phố đều có ít nhất 01 điểm bán hàng OCOP (ngoài sản phẩm OCOP của địa phương, kết nối sản phẩm OCOP của các địa phương khác trong tỉnh, kể cả sản phẩm OCOP ngoài tỉnh). Phấn đấu các sản phẩm sau 01 năm được công nhận OCOP hạng 3 sao trở lên tăng doanh thu và lợi nhuận lên ít nhất 1,5 lần so với thời điểm sản phẩm chưa tham gia OCOP.
- Tổ chức ít nhất 02 cuộc Hội chợ chuyên đề về sản phẩm OCOP, 01 đợt xúc tiến thương mại ra nước ngoài, tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình OCOP năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Để đạt được những mục tiêu trên, Kế hoạch yêu cầu thực hiện các nội dung như: (1) Tuyên truyền, khởi động triển khai Kế hoạch OCOP năm 2023; (2) Củng cố hệ thống tổ chức; (3) Củng cố, nâng cấp, thành lập mới các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP; (4) Phát triển sản phẩm OCOP; (5) Củng cố hệ thống tư vấn, đối tác hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP; (6) Quản lý chất lượng sản phẩm; (7) Công tác tư vấn, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát.
Chi tiết Kế hoạch tải tại đây.