(Ảnh sưu tầm)
Chim yến được chính thức công nhận là động vật trong chăn nuôi tại Luật Chăn nuôi năm 2018. Trong thời gian qua, ngành nuôi yến đã có bước phát triển mạnh mẽ; đến nay 42/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nuôi chim yến với khoảng trên 24.000 nhà yến, sản lượng 120 - 150 nghìn tấn/năm, giá trị khoảng trên 500 triệu đô la Mỹ, tạo nhiều công ăn việc làm và nguồn thu nhập lớn cho người dân. Việt Nam là một trong bốn nước (Malaysia, Indonesia, Thái Lan) được Trung Quốc chấp thuận cho phép xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và phản ánh của một số cơ quan liên quan, công tác quản lý nuôi chim yến hiện nay vẫn còn một số tồn tại, bất cập, cụ thể: (i) việc phát triển các cơ sở nuôi chim yến chủ yếu theo hình thức tự phát, không theo quy định của pháp luật về chăn nuôi, gây khó khăn cho công tác quản lý và giảm hiệu quả đầu tư; (ii) tình trạng săn bắt chim yến theo kiểu tận diệt xảy ra ở nhiều địa phương làm suy giảm đàn chim yến cả ngoài tự nhiên và tại các cơ sở nuôi, gây bức xúc trong dư luận; (iii) Việc sơ chế, chế biến các sản phẩm tổ yến chủ yếu manh mún, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu.
Để khẩn trương khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm từ tổ yến, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng săn bắt chim yến trái phép; khẩn trương tham mưu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định vùng nuôi chim yến theo đúng quy định; tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc kê khai cơ sở nuôi yến, đăng ký mã số cơ sở nuôi yến theo đúng quy định pháp luật; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của địa phương tổ chức phòng, chống có hiệu quả các loại dịch bệnh trên gia cầm; triển khai xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh lây lan sang đàn chim yến; chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, thu hoạch, vận chuyển và chế biến các sản phẩm tổ yến tại địa phương; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và quy định trong quản lý nuôi, chế biến, xuất khẩu sản phẩm từ tổ yến, kiên quyết cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết; sớm ban hành hướng dẫn cụ thể và các tiêu chuẩn liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị,; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý cơ sở chăn nuôi; ưu tiên bố trí nguồn lực, kinh phí xây dựng hệ thống quản lý thông tin.
Bộ Công Thương chủ động nghiên cứu thị trường các nước, thúc đẩy giới thiệu quảng bá các sản phẩm tổ yến thông qua các hoạt động, chương trình xúc tiến thương mại tại nước ngoài, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến sang thị trường các nước.
Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát môi trường tăng cường các biện pháp đấu tranh, phòng chống và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về săn bắt, giết, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ chim hoang dã, trong đó có chim yến.
Các bộ, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng chuyên ngành phối hợp triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý nuôi chim yến và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến sang các nước.
Chi tiết Công điện tải tại đây.