Đề án nhằm mục tiêu phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền có giá trị kinh tế trên cơ sở nâng cao chất lượng, đa dạng hóa và tăng tính hấp dẫn của các dịch vụ, sản phẩm theo hướng bền vững, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền để phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế, kết hợp với tăng cường thông tin, truyền thông nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu của y dược cổ truyền Việt Nam.
(Ảnh sưu tầm)
Đề án đặt ra một số nhiệm vụ chủ yếu và lộ trình phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch đến năm 2030, đáng chú ý như:
- Xây dựng 5 dòng cung ứng dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch: du lịch chăm sóc sức khỏe bằng y dược cổ truyền; du lịch thẩm mỹ bằng y dược cổ truyền; du lịch dược liệu và thuốc cổ truyền; du lịch khám phá y dược cổ truyền và văn hóa bản địa; du lịch học thuật y dược cổ truyền.
- Xây dựng mô hình nghỉ dưỡng kết hợp với sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng y dược cổ truyền, tăng cường sử dụng các dịch vụ, sản phẩm chăm sóc sức khỏe bằng y dược cổ truyền tại khu du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, khu nghỉ dưỡng, khách sạn có tiềm năng,... Lộ trình đến năm 2025, thí điểm xây dựng 05 mô hình nghỉ dưỡng kết hợp với sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sản phẩm y dược cổ truyền. Đến năm 2030, Kết nối và hình thành hệ thống mô hình nghỉ dưỡng kết hợp với sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sản phẩm y dược cổ truyền trên toàn quốc.
- Xây dựng đội ngũ nhân lực có chất lượng cao tham gia vào hệ thống cung ứng các dịch vụ, sản phẩm y, dược cổ truyền phục vụ khách du lịch.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành và cung ứng dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch.
- Thông tin, truyền thông về tiềm năng, thế mạnh của y dược cổ truyền trong cung cấp dịch vụ, sản phẩm nói chung và các dịch vụ, sản phẩm đặc thù của vùng miền, địa phương nói riêng đến du khách trong và ngoài nước nhằm quảng bá hình ảnh y dược cổ truyền Việt Nam.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả, Đề án đề ra các giải pháp như: (1) Quán triệt và chỉ đạo thực hiện một cách toàn diện quan điểm của Đảng, Nhà nước; (2) Hoàn thiện cơ chế, chính sách, chú trọng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; (3) Tổ chức nghiên cứu, phân tích và phân nhóm đối tượng sử dụng; (4) Chú trọng huy động các nguồn lực xã hội; (5) Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chuyên môn theo từng lĩnh vực; (6) Tăng cường nguồn lực cho nghiên cứu khoa học; (7) Khuyến khích các cá nhân, tổ chức phát triển mô hình vùng nuôi trồng dược liệu (GACP) và sản xuất thuốc cổ truyền (GMP); (8) Đẩy mạnh việc lồng ghép sử dụng các dịch vụ; (9) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tiềm năng, thế mạnh của y dược cổ truyền trong cung cấp dịch vụ; (10) Phát huy vai trò của các hiệp hội, các hội nghề nghiệp, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực y dược cổ truyền; (11) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về y dược cổ truyền.
Đề án giao các Bộ, ban, ngành Trung ương, các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện. Trong đó, cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp nuôi trồng và phát triển dược liệu theo quy định của Chính phủ; khuyến khích, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu phát triển các dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh sản phẩm y dược cổ truyền trên địa bàn tỉnh tham gia các chương trình xúc tiến thương mại phù hợp nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch; hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp cung ứng sản phẩm có giá trị kinh tế và mang tính đặc sắc, đặc thù tại địa phương tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm của địa phương.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
Chi tiết Quyết định tải tại đây.