Quang cảnh Hội thảo xúc tiến đầu tư về Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: PHAN VINH
Lợi thế thu hút đầu tư
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng thông tin, Quảng Nam là một trong những tỉnh, thành phố của Việt Nam được các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tin cậy. Quảng Nam là một trong số ít địa phương của cả nước có đầy đủ hệ thống hạ tầng giao thông như sân bay, cảng biển, đường sắt, quốc lộ, cao tốc, có 2 di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, có 2 khu kinh tế (Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Nam Giang), 14 Khu công nghiệp và 115 Cụm công nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: PHAN VINH
Thời gian qua, Quảng Nam đã tăng cường quảng bá, giới thiệu hình ảnh địa phương, tiềm năng hợp tác đầu tư, các chính sách ưu đãi đầu tư khi tiếp xúc, gặp gỡ, làm việc với các đối tác tại những sự kiện tổ chức trong và ngoài nước. Kết quả, đến nay tỉnh đã thu hút 1.164 dự án đầu tư trong nước đang còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 233.163 tỷ đồng; 198 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 6,2 tỷ USD.
Quy mô nền kinh tế hiện nay xếp 26/63 tỉnh, thành phố cả nước với gần 59 nghìn tỷ đồng. Hoạt động xuất khẩu năm 2023 xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD. Nguồn nhân lực dồi dào, phát triển về cả số lượng và chất lượng, mục tiêu đến năm 2030 quy mô lực lượng lao động của tỉnh đạt trên 77 nghìn người.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh chia sẻ, không thỏa mãn với kết quả đạt được, Quảng Nam hướng đến tương lai với khát vọng “Đổi mới, Hội nhập và Phát triển” mạnh mẽ. Tinh thần đó đã được thể hiện rõ nét trong quyết tâm, định hướng của tỉnh tại Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hội thảo xúc tiến đầu tư về Quảng Nam năm 2024 là dịp để bà con đồng hương tại TP.Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp phía Nam nắm bắt quan điểm, chủ trương và quyết tâm của tỉnh cũng như hiểu rõ về cơ hội, tiềm năng, lợi thế khi đầu tư vào Quảng Nam.
"Quảng Nam mong quý doanh nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ thảo luận sôi nổi về môi trường đầu tư và các dự án mà quý vị quan tâm đầu tư, đồng thời hy vọng hội thảo sẽ nhận được nhiều hiến kế và đề xuất để thúc đẩy đầu tư về Quảng Nam, xứng đáng với những thế mạnh tài nguyên bản địa. Đồng thời, sau hội thảo, sẽ có nhiều doanh nghiệp mở rộng đầu tư về Quảng Nam và chúng tôi cam kết sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong suốt quá trình nghiên cứu, đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh" - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nhấn mạnh.
Ông Đỗ Xuân Diện - Chủ tịch Hội Doanh nhân Quảng Nam phía Nam cho rằng, Quảng Nam có dư địa lớn, điều kiện phát triển từ nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, thương mại. Cơ hội đầu tư vào Quảng Nam đang rất rộng mở và thời gian vàng phát triển kéo dài từ 20 - 30 năm vẫn còn rất nhiều việc, nhiều hạng mục có thể làm.
Ông Đỗ Xuân Diện - Chủ tịch Hội Doanh nhân Quảng Nam phía Nam cho rằng Quảng Nam vẫn còn nhiều dư địa đầu tư. Ảnh: PHAN VINH
"Cùng với sự cầu thị của lãnh đạo tỉnh trong việc tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư về Quảng Nam lần này, thể hiện thiên thời - địa lợi - nhân hòa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Từ cách làm này, tôi tin rằng Quảng Nam sẽ có một "đàn sếu" về với địa phương, cùng chung tay phát triển" - ông Diện nói.
Doanh nghiệp muốn đầu tư vào du lịch
Ông Benoit - Giám đốc thương hiệu Tam Son Yachting - một đơn vị đến từ Pháp, chuyên phát triển du thuyền ở các thành phố lớn như Đà Nẵng, TP.Hồ chí Minh cho biết, đơn vị ông đang muốn đầu tư hệ sinh thái du thuyền tại Quảng Nam, nhất là khu vực Hội An, Điện Bàn. Qua khảo sát, số lượng du khách đến với Quảng Nam những năm gần đây tăng cao, nhu cầu của du khách về việc trải nghiệm du thuyền trên các bến vịnh và sông rất lớn.
"Chúng tôi muốn tìm hiểu về quy hoạch mảng du lịch của Quảng Nam, có liên quan đến quy hoạch bến du thuyền hay không và nếu đầu tư về mảng này, chúng tôi nhận được cơ chế ưu tiên đầu tư như thế nào?" - ông Benoit thắc mắc
Ông Benoit Moreau - Giám đốc thương hiệu Tam Son Yachting muốn đầu tư vào lĩnh vực du thuyền tại Quảng Nam. Ảnh: PHAN VINH
Tương tự với câu hỏi của ông Benoit, ông Võ Phú Nông - Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu - dược liệu BIMECA cũng mong muốn đầu tư vào Quảng Nam ở mảng dược liệu với lĩnh vực bảo tồn và xây dựng hệ sinh thái du lịch nghỉ dưỡng - chăm sóc sức khỏe. Theo ông Nông, Quảng Nam có dược liệu quế và sâm Ngọc Linh đã được thế giới biết đến về tính hiệu quả trong chữa bệnh.
Nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào du lịch Quảng Nam. Ảnh: PHAN VINH
"Với những lợi thế như vậy, chúng tôi đang có kế hoạch khảo sát đầu tư Trung tâm bảo tồn dược liệu gắn với du lịch giáo dục và sinh thái nghỉ dưỡng. Quảng Nam đang có lượng du khách chất lượng cao, nhất là các nước phương Tây, họ rất thích các loại hình du lịch gần gũi với thiên nhiên và nâng cao sức khỏe như thế này. Vì vậy, tôi mong muốn nhận được tư vấn và tạo điều kiện đầu tư từ các cơ quan ban ngành cũng như lãnh đạo Quảng Nam " - ông Nông nói.
Ông Võ Phú Nông - Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu - dược liệu BIMECA phát biểu tại hội thảo. Ảnh: PHAN VINH
Cũng quan tâm đến lĩnh vực du lịch, ông Đoàn Thiên Việt - Tổng Giám đốc Công ty CP Địa ốc Đại Thắng cho biết, những năm qua, đơn vị đã đầu tư nhiều lĩnh vực bất động sản tại Quảng Nam, tuy nhiên, do một số vấn đề liên quan đến pháp lý nên chúng tôi chỉ thực hiện một số dự án nhỏ.
"Tôi đang muốn đầu tư mảng khách sạn, địa ốc văn phòng tại những khu đô thị thuộc Điện Bàn, Hội An hoặc Tam Kỳ, nhưng để có khách lưu trú, tình hình du lịch phải được phát triển. Vì vậy, chúng tôi mong muốn Quảng Nam có những chính sách thực tế để tạo lập những sản phẩm du lịch mới lạ để thu hút du khách. Ngoài ra, với lĩnh vực đầu tư của mình thì tôi cần biết rõ hơn về cơ chế giao đất hay cho thuê đất và pháp lý khi làm việc với ngân hàng như thế nào?" - ông Việt đặt vấn đề.
Du lịch sinh thái là một thế mạnh của Quảng Nam cần các nhà đầu tư quan tâm. Ảnh: PHAN VINH
Trả lời thắc mắc của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh cho biết, những năm qua, du lịch Quảng Nam khá phát triển nhưng mới chỉ dừng lại trong việc khai thác các di sản văn hoá thế giới là Hội An và Mỹ Sơn. Trong khi tài nguyên du lịch của tỉnh còn rất nhiều như các làng nghề, khu du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm thiên nhiên...
Ông Nguyễn Thanh Hồng cam kết mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Ảnh: PHAN VINH
"Những ý tưởng, dự án liên quan đến lĩnh vực du lịch của các doanh nghiệp muốn đầu tư vào Quảng Nam rất hoan nghênh. Chúng tôi sẵn sàng chào đón làn sóng đầu tư này trên tinh thần cầu thị, hỗ trợ về mặt thực hiện thủ tục, cung cấp nguồn nhân lực du lịch, đồng thời tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến để đưa du khách về Quảng Nam" - ông Hồng nói.
Về mong muốn đầu tư vào lĩnh vực du thuyền, trung tâm thương mại cao cấp... của các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng đánh giá cao ý tưởng này, xem đây là bước đột phá nếu được đầu tư vào Quảng Nam.
Nếu Đà Nẵng có pháo hoa, Khánh Hòa có khu Đảo xanh thì Quảng Nam cũng cần có sản phẩm du lịch nổi trội nào đó đủ mạnh để thu hút du khách.” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam chụp hình lưu niệm cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư phía Nam. Ảnh: PHAN VINH
"Đề nghị các sở ngành liên quan cần nghiên cứu kết nối, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư về Quảng Nam không chỉ lĩnh vực du lịch mà còn ở các lĩnh vực khác như công nghệ, công nghệ cao, công nghiệp dược liệu hay vấn đề xử lý rác thải với quy trình hiện đại... Chúng ta còn những khó khăn, vướng mắc thì phải tìm cách gỡ những vấn đề cụ thể. Đồng thời phải viết ra một quy trình cụ thể về các thủ tục đầu tư, lãnh đạo UBND tỉnh phải kiểm soát quy trình đó. Có như vậy mới tạo lập môi trường đầu tư tốt, rộng cửa cho doanh nghiệp" - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cho biết.