(Ảnh sưu tầm )
Theo đó, Tổ công tác chỉ giải quyết các vấn đề có tính chất phức tạp, vướng mắc, khó khăn, tranh chấp, khiếu nại kéo dài hoặc do vướng mắc, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật, các nội dung còn có ý kiến khác nhau giữa các Sở, Ban, ngành, địa phương liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh và quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; không giải quyết các vấn đề có tính thường xuyên, không phức tạp thuộc trách nhiệm tham mưu, giải quyết của các Sở, Ban, ngành, địa phương và các vấn đề đã có kết luận của UBND tỉnh.
Hoạt động của Tổ công tác được thực hiện thông qua các cuộc họp, lấy ý kiến bằng văn bản hoặc triển khai các hoạt động cụ thể khác theo nhiệm vụ của Tổ công tác. Các kết luận của Tổ trưởng, Tổ phó là kết luận của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Ý kiến của các thành viên Tổ công tác là ý kiến của cơ quan, đơn vị, thủ trưởng cơ quan, đơn vị do thành viên Tổ công tác phụ trách.
Các thành viên Tổ công tác và lãnh đạo các Sở, Ban, ngành, địa phương cần xem việc hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp như thực hiện một “chiến dịch” và là nhiệm vụ chính trị hàng đầu nhằm khơi thông các điểm nghẽn với phương châm "sớm nhất, hiệu quả nhất" vì sự phục hồi, phát triển của các doanh nghiệp và tỉnh Quảng Nam; thể hiện quan điểm nhất quán đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong mọi hoàn cảnh.
Quyết định quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ trưởng Tổ công tác gồm: Phân công nhiệm vụ cho các Tổ phó và các thành viên trong Tổ công tác, Tổ giúp việc. Chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động của Tổ công tác. Triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Tổ công tác, chỉ đạo Tổ giúp việc chuẩn bị nội dung, các vấn đề cần đưa ra thảo luận ở Tổ công tác hoặc đi làm việc thực tế tại cơ sở. Quyết định việc bổ sung, thay thế thành viên Tổ công tác, Tổ giúp việc; sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Tổ công tác khi cần thiết.
Tổ phó Tổ công tác có nhiệm vụ giúp Tổ trưởng chỉ đạo, điều hành các công việc của Tổ công tác và Tổ giúp việc theo kế hoạch, nhiệm vụ được Tổ trưởng phân công hoặc ủy quyền. Chủ động giải quyết các vấn đề được phân công; báo cáo Tổ trưởng đối với những vấn đề quan trọng, vượt thẩm quyền. Chịu trách nhiệm đôn đốc các thành viên Tổ công tác giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong phạm vi nhiệm vụ được phân công, theo dõi, chỉ đạo. Chủ trì nhóm Zalo kết nối các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực phụ trách.
Thành viên Tổ công tác có nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Tổ trưởng Tổ công tác; nghiên cứu, đóng góp ý kiến trong quá trình hoạt động của Tổ công tác và chịu trách nhiệm triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị mình. Tham gia đầy đủ các cuộc họp của Tổ công tác theo quy định. Chủ động xem xét, giải quyết trực tiếp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị mình. Đối với các vấn đề có tính chất phức tạp, các vướng mắc, khó khăn thì kịp thời chuyển thông tin cho Tổ giúp việc để báo cáo tại các cuộc họp, làm việc của Tổ công tác.
Tổ giúp việc có nhiệm vụ chuẩn bị tài liệu phục vụ hoạt động thuộc trách nhiệm của Tổ công tác; xây dựng chương trình, kế hoạch làm việc, chuẩn bị nội dung các phiên họp và các hoạt động khác của Tổ công tác theo phân công của lãnh đạo Tổ công tác. Tổ trưởng Tổ giúp việc làm đầu mối tiếp nhận, phân loại các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh để chuyển đến các Sở, Ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất đưa vào nội dung làm việc của Tổ công tác đối với các vấn đề khó, phức tạp
Về Chế độ họp, Quy chế nêu rõ định kỳ 02 tuần hoặc căn cứ vào tình hình thực tiễn, Tổ Công tác tổ chức họp (hoặc kết hợp đi khảo sát thực địa nếu cần thiết) để xem xét giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Tùy theo tính chất, nội dung cuộc họp hoặc đi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác quyết định mời các thành viên Tổ công tác có liên quan và đại diện các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, địa phương, tổ chức và cá nhân khác có liên quan tham dự các phiên làm việc của Tổ công tác. Trường hợp không tổ chức họp, thành viên Tổ công tác có ý kiến bằng văn bản về những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo yêu cầu của Tổ trưởng Tổ công tác.
Chi tiết Quyết định tải tại đây.